Cho ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư sửa đổi, rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu  Mai Thị Phương Hoa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trên thực tế, gần như trong tất cả các trường hợp chủ nợ đã yêu cầu con nợ trả tiền, nhưng con nợ không có tiền hoặc có tiền nhưng không chịu trả thì chủ nợ mới nhờ đến dịch vụ đòi nợ thuê.

Mặc dù Nghị định số 96 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã quy định: “cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng”.

Tuy nhiên, thông thường, cái mà chủ nợ thường nghĩ đến và hướng tới là việc dùng hành vi bạo lực hoặc đe dọa dùng bạo lực để đòi tiền hoặc thậm chí chỉ để “dằn mặt” cho bõ tức.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).

leftcenterrightdel
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. 

Báo cáo nêu rõ: “Quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” gây mất an toàn xã hội”.

“Như chúng ta đã thấy gần đây, nhiều băng nhóm hoạt động dưới dạng này đã bị các cơ quan công an điều tra khám phá tại một số địa phương. Như vậy, quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch "đòi nợ thuê" như đang diễn ra trên thực tế hiện nay thực chất là quan hệ sai trái, không đúng với bản chất của việc đòi nợ hợp pháp mà pháp luật đã quy đinh” đại biểu Hoa nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Nam Định mong muốn cơ quan soạn thảo cung cấp thêm thông tin về việc có bao nhiêu cơ sở dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động đúng pháp luật, mức thuế đã đóng góp của các công ty loại này bao nhiêu, có bao nhiêu vụ phạm tội do những hành vi đòi nợ thuê gây ra, bao nhiêu vụ tạt chất bẩn vào nhà con nợ và có bao nhiêu đơn thư trình báo về việc bị đe dọa tính mạng hay tấn công có liên quan đến đòi nợ thuê?

“Nếu có được những số liệu như thế sẽ giúp chúng ta có thêm cơ sở để có thể cân nhắc nên để hay nên cấm loại hình dịch vụ này. Rất tiếc đến nay, chúng tôi vẫn không có được những thông tin về những vấn đề nêu trên”, đại biểu nói.

Ngoài ra, để việc quyết định chính sách được sát thực tế, cơ quan soạn thảo cũng có thể làm một thăm dò khảo sát xem những người nhờ đòi nợ thuê cái họ nghĩ đến là đòi hợp pháp hay là nhờ những hành vi bao lực phi pháp. Kết quả khảo sát sẽ cho thấy rõ bản chất sự việc.

leftcenterrightdel
Đại biểu Mai Hồng Hải 

Hơn nữa về mặt pháp luật thì việc đòi nợ là một hành vi pháp lý, liên quan đến quyền và nghĩa vụ về tiền hoặc tài sản, về số tiền gốc, lãi suất, thời điểm thanh toán, tài sản thế chấp… Trên thực tế, người được cho là con nợ chưa chắc đã phải là con nợ, ngược lại người được cho là chủ nợ cũng chưa chắc đã phải là chủ nợ. Những việc này chỉ có thể làm rõ và xác định về mặt pháp lý khi được giải quyết tại Tòa án.

“Tất nhiên, với điều kiện là hệ thống Tòa án cần phải được đổi mới hơn nữa để việc giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại được giải quyết hiệu quả, nhanh chóng, đúng pháp luật. Nếu chúng ta vội vàng cho phép các bên tranh chấp được xác lập sở hữu về tiền, tài sản thông qua hoạt động đòi nợ bất hợp pháp thì trong nhiều trường hợp sẽ lại làm phát sinh tranh chấp mới và vô hình chung đã dung túng cho hoạt động vi phạm pháp luật”, đại biểu Hoa nêu quan điểm.

Ở chiều ngược lại, mặc dù khẳng định hoạt động đòi nợ thuê hiện nay có nhiều biến tướng, thậm chí mang “màu sắc xã hội đen”, tuy nhiên, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) vẫn đề xuất cho hoạt động này hoạt động. Lý do, trong thực tế, hoạt động kinh doanh “tất yếu” phát sinh nợ nần. Tuy nhiên, khi bị nợ đọng, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục quan trọng tài, toà án và mất nhiều thời gian, hiệu quả lại không cao.

Vì vậy, đại biểu Hải đề xuất nên công nhận đòi nợ là một ngành nghề hoạt động. Tuy nhiên, cần tăng cường hiệu lực quản lý với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Cần bổ sung điều khoản chỉ thuê dịch vụ này khi nợ đã quá hạn, hai bên vay và cho vay đã đối thoại, hòa giải không thành… Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan đòi nợ./.

Xuân Hưng