Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trong 7 tháng qua, cả nước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước đạt 134.494 tỷ đồng, đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây.
Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước cũng thấp, chỉ đạt 35% kế hoạch Quốc hội giao. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm. Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai và một phần do các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai ...
Là địa phương có số vốn đầu tư công giao lớn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Thành phố mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỷ đồng của năm 2019. Vốn ODA thì khá hơn khi giải ngân được khoảng 50% trong tổng số 800 tỷ đồng.
Nguyên nhân giải ngân chậm là do chậm trễ trong chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong tổng số 4.215 tỷ đồng chi cho việc này, số chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho tuyến Metro 2 là hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay Thành phố chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ nên chưa thể chi vốn. Bên cạnh đó, Thành phố mới hoàn thành việc sắp xếp các Ban quản lý dự án vào tháng 6/2019 để thực hiện giao vốn (trước đó giao vốn qua các sở, ngành) nên ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân. Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, chủ đầu tư thường ứng vốn trước để thi công dự án nhưng chậm hoàn thành thủ tục để rút vốn từ Kho bạc nên tỷ lệ giải ngân trên hệ thống cũng ghi nhận thấp so với thực tế.
Còn Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội mới giải ngân được 24,7% kế hoạch vốn giao cũng vì nguyên nhân chậm chi trả giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư phải tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Quý và lãnh đạo một số bộ, ngành đều cho rằng “dù thế nào thì nguyên nhân chủ quan vẫn là quan trọng nhất làm chậm tiến độ giải ngân”.
Lãnh đạo hai thành phố lớn đều khẳng định quyết tâm siết chặt trách nhiệm, kỷ luật đầu tư công tới các cá nhân cụ thể. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đang tổng hợp việc giải trình của các chủ đầu tư chưa hoàn thành giải ngân theo tiến độ thì sẽ dừng cấp vốn để chuyển sang dự án khác đang cần vốn và giải ngân hiệu quả hơn.
Không chỉ giải ngân vốn chậm, hiện nay vẫn còn hơn 35.000 tỷ đồng chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn, trong khi theo kế hoạch, việc này phải hoàn thành trong tháng 5/2019 (vốn ngân sách trung ương là gần 16.500 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là hơn 4.200 tỷ đồng và vốn nước ngoài là hơn 14.300 tỷ đồng).
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, trong số vốn chưa giao này, có 9.900 tỷ đồng chưa giao cho Tập đoàn Dầu khí và Vietel do các dự án của các đơn vị này chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công; 2.400 tỷ đồng chưa giao cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các vùng do tháng 9/2018 Kiểm toán nhà nước kiến nghị không giao vốn vì không đúng với Quyết định số 1256/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình này...
Trong số vốn trái phiếu Chính phủ chưa giao, nếu trừ 2.628 tỷ đồng vốn trái phiếu của Bộ Giao thông vận tải không có nhu cầu giải ngân trong năm nay, số còn lại chưa phân bổ được là do các bộ, địa phương đề xuất bố trí vốn dự án khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định hoặc đề xuất bố trí từ nguồn dự phòng trung hạn. Giải ngân vốn đầu tư công chậm làm ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô tài khoá, tiền tệ và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Thẳng thắn phê bình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ: “Kiểm toán nhà nước có kết luận không bố trí được 2.400 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các vùng từ tháng 9 năm ngoái mà tới nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa trình, sửa được Quyết định số 1256 của Thủ tướng. Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ của Bộ phải chịu trách nhiệm về việc này”. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Vụ trưởng của các Vụ tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ kinh tế đối ngoại trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án.
“Tình hình cấp bách nóng bỏng. Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước. Các đồng chí có thấy vô cảm không?”, Phó Thủ tướng gay gắt.
Nhấn mạnh các yếu kém trong quản lý đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, yếu kém của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là vấn đề nghiêm trọng phải được xóa bỏ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao trong tháng 8 này; trước 30/9/2019 trình Thủ tướng Chính phủ việc huỷ kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; trước 10/10/2019 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỷ lệ giải ngân cao; rà soát, tính toán kế hoạch đầu tư công năm 2020 sát thực tế từng bộ, ngành địa phương.
Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án; chủ động kiểm soát, thống kê số liệu giao vốn tại Kho bạc nhà nước, tháo gỡ khó khăn về đám phán vốn vay nước ngoài và phối hợp giao vốn, điều chỉnh vốn vay của các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và cho biết ngày 15/9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.