|
|
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong 19 Tập đoàn được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Việc thực hiện chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ Cơ quan chuyển giao về Ủy ban phải tuân thủ theo các quy định:
Quá trình thực hiện chuyển giao phải đảm bảo nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý doanh nghiệp trong quá trình chuyển tiếp theo quy định tại Điều 3 Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; có kế thừa tiến độ sắp xếp, chuyển đổi, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp; có sự phối hợp giữa các bên để cùng xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Việc bàn giao hồ sơ liên quan đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Cơ quan chuyển giao về Ủy ban theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng đối với từng doanh nghiệp chuyển giao, phần vốn nhà nước chuyển giao.
Đối với doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa hoặc đối với phần vốn nhà nước đang thực hiện chuyển nhượng thì nội dung chuyển giao phải bao gồm kết quả công việc đã thực hiện liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp triển khai các bước công việc còn lại của quy trình cổ phần hóa, trình tự thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước theo quy định.
Người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, Người đại diện vốn nhà nước đương nhiệm tại thời điểm chuyển giao có trách nhiệm tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật trong quá trình chuyển giao.
Ngoài ra, bên giao là Người đứng đầu hoặc cấp phó được Người đứng đầu Cơ quan chuyển giao ủy quyền bằng văn bản. Bên nhận là Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc cấp phó được ủy quyền bằng văn bản.
Về thời gian thực hiện chuyển giao, cơ quan chuyển giao có trách nhiệm thực hiện các bước công việc chuyển giao để Ủy ban tiếp nhận quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày Nghị định 131/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Cũng theo Quyết định, trong quá trình chuyển giao, trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn, bạo động, đình công, Cơ quan chuyển giao căn cứ tình hình thực tế khắc phục hậu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời hạn chuyển giao. Trường hợp do điều kiện, hoàn cảnh khách quan về thay đổi quy định của Nhà nước nên công tác chuyển giao không thể thực hiện theo đúng thời hạn nêu trên, Cơ quan chuyển giao kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian nhưng tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày hết hạn chuyển giao theo quy định nêu trên.
Các doanh nghiệp được chuyển giao gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Cà phê Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam; Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. |
T.Dịu