Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo lãnh đạo các Tổng công ty được bàn giao.

Tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.

Bộ Thông tin và Truyền thông bàn giao VNPT và Mobifone

 Theo đó, 2 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đó là VNPT và Mobifone có tổng tài sản trên 128.000 tỷ đồng, trong đó VNPT có quy mô tổng tài sản 95.633 tỷ đồng (vốn Nhà nước là trên 72.000 tỷ đồng), còn Mobifone là 32.538 tỷ đồng (vốn Nhà nước là 15.000 tỷ đồng) chính thức được bàn giao về Ủy ban quản lý vốn.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi Lễ bàn giao (Ảnh: chinhphu.vn) 
Phát biểu tại lễ bàn giao 2 doanh nghiệp VNPT và Mobifone, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đến nay, các bộ, ngành đã lần lượt chuyển giao các doanh nghiệp trực thuộc về Uỷ ban Quản lý vốn xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước là tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý doanh nghiệp.

Nhưng không vì vậy mà vai trò của các bộ bị giảm nhẹ mà để các cơ quan tập trung thực hiện tốt hơn vai trò quản lý Nhà nước, được quy định tại Điều 8 của Luật Quản lý, đầu tư và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, việc tách bạch 2 chức năng trên cũng góp phần bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá VNPT và Mobifone là 2 doanh nghiệp lớn có tổng tài sản trên 128.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Mobifone đang bị chậm lại quá trình cổ phần hoá do vướng mắc trong vụ mua lại Kênh truyền hình An Viên. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban phối hợp với các bên thực hiện dứt điểm hạch toán khi trả lại Kênh truyền hình này, kiểm kê, đánh giá lại tài sản và nhận bàn giao vốn chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Phó Thủ tướng kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục lớn mạnh, góp phần đắc lực trong phát triển kinh tế số của Việt Nam.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bắt tay Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh tại Lễ bàn giao VNPT và Mobifone (Ảnh: chinhphu.vn)  
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc tập hợp các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn “về” 1 đơn vị quản lý sẽ tạo nên 1 sức mạnh rất lớn cho đất nước và các DNNN, trong đó có VNPT và Mobifone.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ sẽ tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý, thị trường cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông phát triển, đồng thời tiếp tục sát cánh cùng Ủỷ ban Quản lý vốn trong hỗ trợ các doanh nghiệp.

Bộ GTVT bàn giao 5 Tổng công ty

Theo Nghị định số 131, Bộ GTVT có 5 Tổng công ty thuộc diện bàn giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Chứng kiến lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương Bộ GTVT đã rất khẩn trương thực hiện việc chuyển giao theo đúng yêu cầu của Nghị định 131.

leftcenterrightdel
Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể bắt tay ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Lễ bàn giao 5 Tổng công ty (Ảnh: chinhphu.vn)  
Phó Thủ tướng cũng nhắc việc 5 Tổng công ty này có tổng tài sản rất lớn lên tới hơn 275.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 49.000 tỷ đồng, vốn Nhà nước góp vào hơn 46.000 tỷ đồng. Do đó, việc thành lập Uỷ ban quản lý vốn là triển khai chủ trương thực hiện mô hình đại diện chủ sở hữu do trước đây vai trò này phân tán ở các bộ, nay một cơ quan riêng là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ thực hiện chức năng đại diện phần vốn Nhà nước ở doanh nghiệp và quản lý số vốn này. Việc này cũng xác định rõ ràng chức năng quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp.

“Việc chuyển chức năng đại diện chủ sở hữu đang phân tán tại các bộ về Uỷ ban Quản lý vốn không làm suy giảm vai trò của các bộ mà chính là tạo điều kiện để các bộ làm tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước về chuyên ngành”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Bộ Tài chính bàn giao SCIC

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là doanh nghiệp duy nhất của Bộ Tài chính thuộc diện bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. SCIC được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bắt tay Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh tại Lễ bàn giao (Ảnh: chinhphu.vn) 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, khi thực hiện nhiệm vụ được giao, với điều kiện bộ máy hạn chế, Bộ Tài chính và SCIC đã hỗ trợ tích cực cho Ủy ban để triển khai các công việc theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, trong số 19 doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban, SCIC có vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi tiếp nhận SCIC, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, để chỉ đạo SCIC tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, vai trò, nhiệm vụ được giao, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6 “ông lớn” của Bộ Công thương cán đích đầu tiên

Trước đó, ngày 10/11, Bộ Công Thương đã chính thức bàn giao 6 doanh nghiệp về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Đây đều là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty mạnh trong các lĩnh vực, có sự ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ Công Thương, 6 “ông lớn” này nắm giữ số vốn Nhà nước lên đến hơn 555.000 tỷ đồng, tương đương một nửa tổng số vốn Nhà nước mà “siêu ủy ban” nắm giữ của tổng số 19 doanh nghiệp chuyển về đơn vị này.

 Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được thành lập từ tháng 2/2018, ông Nguyễn Hoàng Anh, ủy viên Trung ương đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng được phân công giữ chức Chủ tịch. Cuối tháng 9/2018, “siêu” Ủy ban đã chính thức hoạt động, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về từ các bộ, ngành. Ủy ban có nhiệm vụ quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.
19 đơn vị trong diện quản lý của “siêu ủy ban” gồm các công ty mẹ, các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, và Giao thông vận tải.
Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Hồng Nguyên