Theo báo cáo của Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp cho biết, trong quý I năm 2022, khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Cục Kiểm tra văn bản QPPL hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra theo kế hoạch công tác năm 2022 của đơn vị.
Theo đó, các công tác kiểm tra, rà soát QPPL tiếp tục được Cục tập trung thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo sự chủ động của Bộ trong phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trong quý I, Cục đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 455 văn bản (gồm 62 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 393 văn bản của địa phương); đã phát hiện và kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 35 văn bản QPPL của địa phương có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền; đến nay, cơ quan ban hành đã xử lý được 28/35 văn bản. Ngoài ra trên cơ sở theo dõi, đôn đốc của Cục có 5 văn bản được kết luận trước năm 2022 được xử lý.
|
|
Tăng cường kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh minh hoạ) |
Trong công tác rà soát văn bản QPPL, Cục đã chỉnh lý, hoàn thiện, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL ký Báo cáo 20/BC-TCT ngày 28/1/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ công tác.
Theo đó, trong năm 2021, Tổ công tác đã hoàn thành việc tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo 5 nhóm văn bản QPPL còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành theo Kế hoạch đề ra, qua đó đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cũng như để triển khai thực hiện các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Đối với kết quả rà soát văn bản do các bộ, ngành thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã đề xuất phương án và xây dựng kế hoạch xử lý các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.