Ấn tượng với kết quả nổi bật của các cơ quan tư pháp

Sáng ngày 30/3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu tán thành và đánh giá cao kết quả rất nổi bật như Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của VKSND tối cao, TAND tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Tạo. Ảnh: Quochoi.vn

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất cao, ấn tượng với những kết quả đạt được của VKSND và TAND các cấp trong nhiệm kỳ qua. Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, một số loại tội phạm gia tăng mạnh, với tình hình thiên tai, đại dịch COVID đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình chung, nhưng ngành Tư pháp đã để lại những dấu ấn hết sức ấn tượng.  

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Tạo, tỷ lệ án oan sai, án bị hủy, án bị sửa, đáp ứng được chỉ tiêu Quốc hội đề ra, đặc biệt, những loại án đặc biệt nghiêm trọng như: tham nhũng, tội phạm chức vụ, kinh tế, những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đều được giải quyết tốt, đóng góp có hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của nước ta. Nhiệm kỳ qua, công tác tư pháp đã góp phần ổn định chính trị, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị Quốc hội, nhà nước quan tâm hơn nữa về công tác cán bộ, biên chế tại các cơ quan tư pháp và cơ sở vật chất tốt hơn nữa. Có như vậy, cơ quan tư pháp mới đáp ứng được yêu cầu và xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) tán thành báo cáo công tác tư pháp trong nhiệm kỳ và chỉ ra những kết quả rất nổi bật, ấn tượng.

Thứ nhất, các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong nhiệm kỳ qua, tổng số vụ án thụ lý tăng tới 34%, nhiều vụ án đi vào lịch sử tố tụng nước ta bởi quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng.

Trong đó, nhiều vụ án, số tiền bị chiếm đoạt đã không dừng ở vài trăm triệu đồng mà lên đến hàng ngàn, thậm chí chục ngàn tỉ đồng. Nhiều vụ án, số bị cáo tham gia không còn vài ba bị cáo mà câu kết hàng chục bị cáo như: vụ án ngân hàng Đại Dương 51 bị cáo hay đường dây đánh bạc nghìn tỉ đồng lên đến 92 bị cáo.

Nhiều vụ án, số người tham gia tố tụng được triệu tập đã không dừng ở hàng trăm, thậm chí, hàng nghìn người, vào cuối tháng 12/2020, TAND TP Hà Nội đã triệu tập hơn 6 ngàn bị hại tham gia phiên tòa trong phiên tòa xử vụ Liên Kết Việt.

Đáng lưu ý, trong giai đoạn này xuất hiện hành vi, thủ đoạn phạm tội mới và nhiều loại tranh chấp dân sự kinh tế mới chưa từng xảy ra trước đây như: gian lận điểm thi trên máy tính kỳ thi THPT Quốc gia hay vụ án tranh chấp các hãng taxi truyền thống và công nghệ.

Bối cảnh đó, hầu hết các vụ án trong nhiệm kỳ được đưa ra giải quyết đúng thời hạn, đúng pháp luật, nghiêm minh và Ủy ban Tư pháp đã thể hiện điều này trong báo cáo thẩm tra.

Thứ hai, quyền con người, quyền công dân được bảo vệ ngày càng tốt hơn. Trong lịch sử tố tụng, lần đầu tiên bị can được đọc tài liệu trong hồ sơ vụ án. Có ý kiến lo ngại bị can xé, hủy tài liệu, gây khó cho hoạt động tố tụng. Về việc này, VKSND tối cao, Bộ Công an làm rất chặt chẽ khi cho bị can được đọc bản sao, hoặc đọc trên máy vi tính. Điều này đảm bảo quyền hiến định của người bị buộc tội. Quyền tự bào chữa, trong trường hợp không có người bào chữa.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng nêu một ấn tượng nữa đối với cơ quan tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua, đó là việc bắt buộc phải thực hiện ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Đây là thành tựu của nền tư pháp nước nhà trong việc chống bức cung, nhục hình cũng là chứng cứ để bảo vệ cán bộ hỏi cung.

Tính tranh tụng ngày càng rõ nét hơn. Tranh tụng chính là phương thức để tìm ra sự thật. Người dân và xã hội cảm nhận ngày càng rõ hơn về các phiên tòa tranh tụng, tính tranh tụng, đối kháng, cọ xát giữa các chứng cứ, lý lẽ, lập luận giữa các bên ngày mạnh mẽ, quyết liệt. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng về một nền tư pháp công bằng, nghiêm minh.  

Các phiên tòa cũng không hạn chế quyền tranh tụng, tạo mọi điều kiện cho bên buộc tội và gỡ tội thực hiện quyền tranh tụng. Rất nhiều vụ án, Kiểm sát viên thể hiện việc nắm rất chắc chứng cứ, bản lĩnh sắc bén, bảo vệ vững chắc, thành công cáo trạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định, những thành tựu của các cơ quan tư pháp đã thể hiện nỗ lực rất lớn trong điều kiện án tăng nhiều, cả về số lượng và tính phức tạp, trong khi đó, các cơ quan này phải giảm biên chế.  

leftcenterrightdel
 Đại biểu Mai Khanh. Ảnh: Quochoi.vn

Vai trò, bản lĩnh của người đứng đầu cơ quan tư pháp

Đại biểu Mai Khanh (Đoàn Ninh Bình) cũng bày tỏ nhất trí, đánh giá rất cao những kết quả VKSND và TAND các cấp đã đạt được.

Đại biểu Mai Khanh nhấn mạnh: “Đây là nhiệm kỳ mà các cơ quan tư pháp có khối lượng công việc tăng lên rất lớn so với nhiệm kỳ trước. Người đứng đầu các cơ quan tư pháp trước áp lực rất lớn khi phải giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế, xử lý những bị can từng giữ vị trí cao, quan trọng trong bộ máy lãnh đạo. Qua đó cho thấy, người đứng đầu các cơ quan tư pháp đã thể hiện bản lĩnh chính trị, sự tinh thông nghiệp vụ, các vụ án được giải quyết kịp thời, trong thời gian ngắn.

Đặc biệt, công tác chống tham nhũng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, niềm tin vào công lý của người dân. Đây là nhiệm kỳ phải đối diện với nhiều khó khăn, lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã để lại những dấu ấn rất đậm nét. Dấu ấn về sự lãnh đạo quyết liệt, tinh thần tập trung cao độ, thái độ kiên quyết trong chỉ đạo và sự năng động liên tục trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp luật, tham mưu cho cơ quan Chính phủ, Quốc hội ban hành kịp thời các luật, nghị quyết, giải đáp hướng dẫn và nhất là hệ thống tư pháp cấp dưới để xử lý những vấn đề khó khăn từ thực tiễn đặt ra”.

Theo Đại biểu Mai Khanh, các cơ quan tư pháp cũng đứng trước áp lực tinh giản đáng kể về bộ máy biên chế nhưng không gây ra xáo trộn. Khối lượng công việc ngày càng nhiều hơn, nhưng đều được xử lý, giải quyết tốt.

Nhiệm kỳ dấu ấn của các cơ quan tư pháp đó là sự đổi mới quyết liệt, tạo sự chuyển biến, nhất là số hóa, điện tử hóa một số lĩnh vực công tác, như: công tác hành chính tư pháp.

Đại biểu Mai Khanh cũng đề nghị trong nhiệm kỳ tiếp theo, các cơ quan tư pháp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhất là những vụ án lớn, vụ án nghiêm trọng được dư luận, xã hội quan tâm.

Cùng với 3 đại biểu trên, tại buổi thảo luận sáng nay, 18 đại biểu phát biểu tại hội trường đều bày tỏ sự đồng tình với kết quả cơ quan tư pháp đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Nhiều đại biểu cũng chia sẻ khó khăn với ngành Kiểm sát khi công việc tăng nhiều, biên chế bị tinh giản. Không ít đại biểu đề nghị Quốc hội, nhà nước cần quan tâm hơn nữa điều kiện vật chất cũng như chế độ đối với cán bộ ngành tư pháp. 

Vũ Phương