TAND tối cao vừa ban hành Chỉ thị số 02/2022/CT-CA về việc tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về chỉ tiêu, Chỉ thị nêu rõ, đối với hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, phấn đấu tỉ lệ các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án chuyển sang hòa giải, đối thoại so với số lượng vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án nhận được trong một năm đạt tỉ lệ từ 80% trở lên.

Phấn đấu tỉ lệ các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính được Hòa giải viên hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án so với số lượng vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án chuyển sang hòa giải, đối thoại trong một năm đạt tỉ lệ từ 70% trở lên.

Tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành: Khi Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại và thông qua hoạt động hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên mà người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất được với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần tranh chấp, khiếu kiện thì được coi là hòa giải thành, đối thoại thành. Trường hợp Hòa giải viên đã được chỉ định nhưng chưa tiến hành hoạt động hòa giải, đối thoại mà người khởi kiện, người yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì không được coi là hoà giải thành, đối thoại thành.

Phấn đấu số lượng quyết định của Tòa án về việc công nhận, không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khiếu kiện hành chính so với số lượng yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án trong một năm đạt tỉ lệ 100%.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Phấn đấu 100% quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án không bị hủy, không có quyết định khó thi hành hoặc không thi hành được.

1 vụ việc được chuyển sang hòa giải, đối thoại thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại; Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại; Thẩm phán ra quyết định công nhận/không công nhận kết quả hòa giải, đối thoại được tính chỉ tiêu thi đua bằng 0,5 vụ việc mà mỗi Thẩm phán đã xét xử, giải quyết.

Nếu một Thẩm phán đồng thời là Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại; Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại; Thẩm phán ra quyết định công nhận/không công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thì Thẩm phán đó được tính chỉ tiêu thi đua bằng 1,5 vụ việc đã xét xử, giải quyết.

Đối với hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Chỉ thị nêu rõ: Phấn đấu tỉ lệ số lượng vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính được hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính so với số lượng vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính mà Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý, đưa ra hòa giải, đối thoại, giải quyết trong một năm đạt tỉ lệ từ 30% trở lên.

Tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 55/TANDTC-PC ngày 20/3/2018 của TAND tối cao về tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.

Phấn đấu 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định công nhận kết quả đối thoại thành không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, không có quyết định khó thi hành hoặc không thi hành án được.

1 vụ án hòa giải thành, đối thoại thành được tính chỉ tiêu thi đua bằng 2 vụ án đã xét xử, giải quyết.

Đồng thời, phát động phong trào thi đua về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; gắn kết quả của phong trào thi đua này với việc bình xét các danh hiệu thi đua; đổi mới, hoàn thiện chỉ tiêu thi đua khen thưởng theo hướng coi trọng công tác hòa giải, đối thoại.

P.V