leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 6/1 (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, có 2 vấn đề chúng ta vẫn còn đang rất loay hoay, đó là giá thu viện phí và bệnh viện tự chủ.

Giá thu viện phí cần phân ra 2 luồng rõ ràng

Đi vào phân tích cụ thể, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị, vấn đề giá thu viện phí thì cần phải phân ra 2 luồng rõ ràng.

Luồng thứ nhất là giá thu viện phí được bảo hiểm chi trả. Theo đại biểu, đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị, giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả.

Đại biểu cho rằng, đây là một vấn đề rất quan trọng, Luật cần phải nêu rõ vì đây chính là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng và vai trò bảo đảm an sinh. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám, chữa bệnh, luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình.

leftcenterrightdel
  PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) phát biểu thảo luận tại Hội trường Diên Hồng chiều 6/1 (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, luồng thứ 2 là giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây chính là động lực để các bệnh viện và các ngành y tế thay đổi và phát triển, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường.

Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như là trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt…

Ngoài ra, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám, chữa bệnh có được công khai giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh thanh tra, kiểm tra.

Đâu là "lối đi" của tự chủ bệnh viện?

Vấn đề thứ 2 đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề cập đến đó là bệnh viện công tự chủ. Theo đại biểu, đây là vấn đề khó nhất nhưng nếu giải quyết được về giá khám bệnh theo yêu cầu thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ khá là tường minh. “Đây chính là lối đi của tự chủ, làm tốt, thu được tốt thì đủ tiền để nuôi cán bộ, nhân viên y tế, đủ tiền để đầu tư, phát triển thương hiệu” – Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội chiều 6/1 (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty, nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong các tình huống cấp cứu, tự chủ nhưng bệnh nhân vào cấp cứu thì luật quy định phải khám, chữa bệnh bằng mọi giá mà không phải giá theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, bệnh viện có thể vay, thuê, cho thuê như trong quy định của Luật Doanh nghiệp và trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có mục này và đặc biệt là hỗ trợ cho việc phát triển mô hình bệnh viện phi lợi nhuận.

Đại biểu cho biết, các chuyên ngành khó có khả năng tự chủ, các bệnh viện vùng sâu, vùng xa cũng cần dùng nguồn ngân sách để phát triển, tuy nhiên, cách tốt nhất là nên áp dụng theo hình thức đặt hàng.

“Nếu chúng ta cấp ngân sách chung chung như chi thường xuyên, các bệnh viện hay trung tâm y tế sẽ lại lúng túng, vì khó có thể tách nguồn, không có khả năng đầu tư vào con người cũng như là cơ sở vật chất để phát triển chuyên môn. Đây là những vấn đề tôi nghĩ là cần phải rất rõ ràng” - Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị.

Nhiều bác sĩ lo lắng vì “sinh” thêm một kỳ thi 5 năm

Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng góp ý thêm một số điểm khác trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cụ thể, góp ý vào Điều 67 về dinh dưỡng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị thay cụm từ “tư vấn, hướng dẫn” bằng “chỉ định”.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) chiều 6/1 (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho rằng, dinh dưỡng là cần phải chỉ định để người bệnh tuân thủ dinh dưỡng, trong điều trị cần có chỉ định và can thiệp. Còn nếu là tư vấn thì chỉ là những biện pháp can thiệp dinh dưỡng không đủ hiệu quả, bệnh nhân có thể tuân thủ hoặc không tuân thủ, ví dụ như bệnh nhân nặng nằm trong Khoa Hồi sức cấp cứu thì chúng ta tư vấn cho ai? Còn hướng dẫn thì ngay cả trong các chất, các dung dịch dinh dưỡng đã có hướng dẫn ghi rồi, vai trò của bác sĩ ở đây không còn nữa, do đó chúng ta rất cần chỉ định và giám sát việc điều trị của mình.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng bày tỏ băn khoăn về phương pháp đánh giá đủ điều kiện cấp lại giấy phép hành nghề. Đại biểu cho biết, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế rất lo lắng, vì sinh thêm một kỳ thi 5 năm và làm căng thẳng thêm trong khi người ta đã vất vả hằng ngày.

“Tôi xin đề nghị việc kiểm tra, đánh giá trình độ, đào tạo liên tục vẫn phải tiếp tục, tuy nhiên chúng ta nên bổ sung thêm hình thức tự động cấp lại bằng sau khi nộp đủ các chứng nhận đào tạo liên tục CME và theo đúng quy định do Hội đồng Y khoa đặt ra, lúc đó các bác sĩ, các nhân viên y tế có thể tự động được cấp bằng không cần phải trải qua kỳ thi, không cần những thủ tục rườm rà, chúng ta hoàn toàn có thể làm thông qua công nghệ thông tin” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.

“Cuối cùng, tôi cũng rất mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ để Ban soạn thảo có thể sửa đổi lần cuối để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có thể được thông qua trong kỳ họp đặc biệt này” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Vũ Cảnh