Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 VKSND cấp cao, VKSND tối cao nhận thấy Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện nhiều vi phạm, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vi phạm về thủ tục tố tụng và nội dung trong bản án, quyết định ở cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị dẫn đến nhiều trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm do bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm về thủ tục tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được; hoặc có những trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm phải sửa án sơ thẩm theo hướng ngược lại với phán quyết của cấp sơ thẩm. Ngoài ra, có những trường hợp khi xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án phải hủy, sửa cả bản án, quyết định của Tòa án cấp giám đốc thẩm, cấp phúc thẩm và cấp sơ thẩm.
VKSND tối cao cũng chỉ rõ một số vi phạm về thủ tục tố tụng của bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính. Trước hết là vi phạm trong việc xác định đối tượng, thời hiệu khởi kiện. Theo đó, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính được quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) năm 2015. Quá trình kiểm sát, Viện kiểm sát phát hiện có trường hợp không phải là đối tượng khởi kiện nhưng Tòa án lại thụ lý giải quyết, nhiều trường hợp các quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định không phải là đối tượng khởi kiện hoặc xác định sai đối tượng khởi kiện.
Ví dụ vụ án giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị X với người bị kiện là Bảo hiểm xã hội tỉnh HG. Theo đó, ngày 29/5/1997, Bảo hiểm xã hội tỉnh HG ban hành Quyết định số 119/BHXH-CĐCS và Quyết định số 120/BHXH-CĐCS thu hồi sổ bảo hiểm xã hội của bà X, yêu cầu bà X hoàn trả lại số tiền đã lĩnh từ khi nghỉ hưu cho BHXH tỉnh. Bà X đề nghị BHXH tỉnh trả lời lý do tại sao bà không được tiếp tục hưởng lương hưu. BHXH tỉnh HG có Công văn số 600/BHXH-KT ngày 4/10/2012 trả lời do bà X đã xin thôi việc và được hưởng trợ cấp một lần.
Bà X khởi kiện yêu cầu hủy Công văn số 600 nêu trên. TAND tỉnh HG căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 123, điểm h khoản 1 Điều 143 Luật TTHC để đình chỉ giải quyết vụ án với lý do Công văn số 600 của Bảo hiểm xã hội tỉnh HG là văn bản hành chính nội bộ thông thường, không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Nhận thấy, Công văn số 600 là văn bản trả lời đơn, có nội dung khẳng định khiếu nại của bà X là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khiếu nại. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công văn số 600 là văn bản hành chính thông thường và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không chính xác. Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án để cấp sơ thẩm xét xử lại.
Bên cạnh đó, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định tại Điều 116 Luật TTHC năm 2015. Thực tế có trường hợp còn thời hiệu khởi kiện nhưng sau khi thụ lý, Tòa án lại xác định hết thời hiệu và ra quyết định đình chỉ vụ án, xâm phạm quyền khởi kiện của đương sự và ngược lại, có trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện là không đúng, do đó, Tòa án cấp phúc thẩm phải tuyên hủy quyết định đình chỉ để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Ngoài ra, thực hiện quy định tại Điều 1 Nghị quyết 01/2015/NQ-HĐTP ngày 15/01/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Điều 122 Luật TTHC, Tòa án phải hướng dẫn đương sự sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, tuy nhiên tại một số Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt, đồng thời đình chỉ giải quyết vụ án hành chính dẫn đến mất quyền khởi kiện của đương sự.
|
|
Quang cảnh một phiên toà xét xử vụ án hành chính. (Ảnh minh hoạ) |
Một vi phạm khác nữa là vi phạm trong việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, không đưa đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Đây là những dạng vi phạm khá phổ biến của Tòa án cấp sơ thẩm. Một số trường hợp, Tòa án xác định sai tư cách người bị kiện; đương sự là người bị kiện nhưng Tòa án lại xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, dẫn đến thiếu khách quan, toàn diện trong quá trình giải quyết vụ án, làm hạn chế quyền, nghĩa vụ tố tụng của các đương sự.
Ví dụ cụ thể là vụ án giữa người khởi kiện là ông Phạm Văn H với người bị kiện là Chủ tịch UBND thành phố BN. Vụ án đã được TAND tỉnh Bắc Ninh giải quyết tại Bản án HCST số 07/2018/HC-ST ngày 22/8/2018 tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn H về việc đề nghị hủy Quyết định số 2206/QĐ-UBND ngày 6/10/2017 của Chủ tịch UBND thành phố BN và hủy một phần Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND thành phố BN về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ điều chỉnh, bổ sung khi thu hồi đất để xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh; bác yêu cầu trả tiền bồi thường theo diện tích 1142,6m2.
Ngày 4/9/2018, Viện trưởng VKSND tỉnh BN ban hành Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS-HC kháng nghị toàn bộ Bản án HCST số 07/2018/HC-ST ngày 22/8/2018 của TAND tỉnh BN. Bản án HCPT số 274/2019/HC-PT ngày 22/10/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh, tuyên hủy Bản án HCST số 07/2018/HC-ST ngày 22/8/2018 của TAND tỉnh BN do có vi phạm nghiêm trọng trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của UBND thành phố BN. Cụ thể, ông Nguyễn Anh N là người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Văn H có đơn khởi kiện bổ sung ngày 15/3/2018 yêu cầu hủy một phần Quyết định số 3371/QĐ-UBND. Như vậy, theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật TTHC thì UBND thành phố BN phải là người bị kiện nhưng TAND tỉnh BN xác định UBND thành phố tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Mặt khác, một vi phạm khác đó là vi phạm trong việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ. Tài liệu chứng cứ là những dữ liệu quan trọng để Tòa án có căn cứ giải quyết vụ án. Nhiều vụ án việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, sử dụng tài liệu không có giá trị pháp lý để làm chứng cứ; dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Ví dụ vụ án giữa người khởi kiện là ông Hoàng Văn N và 17 hộ dân với người bị kiện là UBND huyện HA, tỉnh CB. Ông N và các hộ dân khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 15/5/2007 của UBND huyện HA vì cho rằng quyết định này không đúng về trình tự, thủ tục, nội dung, thu hồi không đúng đối tượng. Một số người khởi kiện không công nhận các hợp đồng thuê đất của UBND xã (bản phô tô) và các phiếu thu nộp tiền thuê đất của các hộ dân từ năm 2009 đến năm 2015 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu UBND xã HĐ và UBND huyện HA cung cấp bản chính hoặc bản sao có chứng thực và xác định xem có đúng những người khởi kiện đã ký tên trong các tài liệu đó không mà sử dụng các tài liệu phô tô không có chứng thực, không được các đương sự thừa nhận làm căn cứ xác định thời hiệu là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Đối với vi phạm trong việc giải quyết không hết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự, theo VKSND tối cao, đơn khởi kiện có thể có một hoặc nhiều yêu cầu, Tòa án phải xem xét giải quyết các yêu cầu của người khởi kiện theo quy định về thẩm quyền. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều vụ án bị hủy do người khởi kiện yêu cầu nhiều nội dung nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, giải quyết hết các nội dung yêu cầu đó, không xem xét quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan. Có vụ án trong quá trình giải quyết, người khởi kiện đã rút một phần yêu cầu khởi kiện, tuy nhiên Tòa án vẫn tuyên chấp nhận đối với yêu cầu khởi kiện đó hoặc không tuyên đình chỉ một phần đối với yêu cầu đương sự đã rút là không đúng quy định.
Vụ án giữa người khởi kiện là ông Ngô Văn H với người bị kiện là UBND tỉnh ĐL là một ví dụ. Cụ thể, bản án hành chính số 24/2020/HC-ST ngày 7/9/2020 của TAND tỉnh ĐL tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ngô Văn H, buộc UBND tỉnh ĐL phê duyệt lại phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vì chưa có phần hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ về đất và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ chậm trả khi Nhà nước thu hồi đất tính từ ngày 4/2/2017 đến thời điểm UBND tỉnh ĐL ban hành thông báo chi trả tiền bồi thường là ngày 21/11/2019.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người khởi kiện rút một phần yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu UBND tỉnh chi trả khoản tiền chậm trả đối với số tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất từ 4/2/2017 đến thời điểm UBND tỉnh ĐL ban hành thông báo chi trả tiền bồi thường là ngày 21/11/2019, chỉ yêu cầu tính tiền lãi chậm trả từ ngày 21/11/2019 đến thời điểm người khởi kiện nhận được tiền bồi thường là ngày 18/1/2020.
Yêu cầu này được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là không đúng vì vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu quy định tại khoản 1 Điều 173 Luật TTHC. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa Bản án sơ thẩm theo hướng không buộc UBND tỉnh ĐL phải chi trả khoản tiền lãi chậm trả cho ông H và các đương sự khác từ ngày 21/11/2019 đến ngày 18/1/2020.