Thời gian qua, mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan Công an, VKSND và TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đáng nói, công tác phối hợp đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tố tụng cũng như hướng giải quyết những tin báo, vụ án phức tạp. Do vậy, chất lượng và hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm được nâng cao, kết quả giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra xử lý án đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác phối hợp liên ngành.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác xác minh, phân loại tố giác, tin báo tội phạm của Cơ quan điều tra Công an tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng, địa bàn, dư luận xã hội quan tâm, được tập trung điều tra xử lý kịp thời và kết thúc chuyển cơ quan Viện kiểm sát đúng thời hạn, đúng quy định.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, xử lý mạnh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Đồng thời, chủ động đấu tranh, làm tan rã nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức, trộm cắp tài sản, hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, các đường dây tổ chức cá độ bóng đá qua mạng, đánh bạc với số tiền hàng chục tỉ đồng. Không chỉ vậy, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng, nhiều đường dây vận chuyển ma tuý lớn qua địa bàn…

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Quang Tiến, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk phát biểu đóng góp các ý kiến tại Hội nghị liên ngành.

VKSND tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đã phối hợp, góp phần cùng Cơ quan điều tra phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án hình sự. Đồng thời, cùng Toà án thực hiện tốt các công tác xét xử và thi hành án hình sự; chú trọng tổng hợp các vi phạm trong hoạt động tư pháp có tính chất phổ biến của các cơ quan tư pháp, nhất là ở cấp huyện.

VKSND tỉnh đã ban hành các kháng nghị, kiến nghị đề nghị chỉ đạo khắc phục vi phạm, nhằm tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tổng số án VKSND tỉnh thụ lý 83 vụ, 292 bị can; đã giải quyết 71 vụ, 236 bị can (đạt 79%, giảm 3% so với cùng kỳ).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những tháng đầu năm 2022, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định, yêu cầu phòng, chống dịch bệnh thì Tòa án tỉnh vẫn phải duy trì các hoạt động bình thường của đơn vị. Theo đó, việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả; chất lượng của các bản án, quyết định ngày càng được nâng cao....

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Văn Bôn, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Trong năm, TAND tỉnh đã thụ lý 77 vụ, 214 bị cáo hình sự sơ thẩm, đã giải quyết 59 vụ, 176 bị cáo (đạt 78%, tăng 7 % so với cùng kỳ).

Công tác phối hợp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cũng được lãnh đạo liên ngành quan tâm thực hiện tốt, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt chất lượng cao; hạn chế việc đơn thư tồn đọng kéo dài, giảm tình trạng khiếu kiện gay gắt, vượt cấp.

Ngoài ra, công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự của các trại giam, trại tạm giam và nhà tạm giữ được thực hiện đúng quy định, trong công tác phối hợp đã có sự thống nhất về nhận thức từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan tố tụng hoàn thành nhiệm vụ, không có trường hợp nào bị bắt, tạm giữ, tạm giam oan, sai.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk nêu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tố tụng.

Trong thời gian tới, liên ngành Công an – VKSND – TAND đã đề ra nhiều giải pháp phối hợp đồng bộ trên các lĩnh vực công tác: tập trung phối hợp chặt chẽ để điều tra, truy tố, xét xử những vụ án trọng điểm, phức tạp về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, những vụ án thuộc diện Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự; hạn chế đến mức thấp nhất án bị hủy, án gia hạn điều tra, án điều tra bổ sung và không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Chủ động phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng; lựa chọn và tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm đối với các vụ án có tính chất phức tạp, các vụ án có tính chất băng nhóm được dư luận quan tâm, để từng bước nâng cao việc tranh tụng theo hướng cải cách tư pháp.../.

Nguyễn Chính