Sáng nay 30/10, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020.
Ngay khi Quốc hội bắt đầu thảo luận kinh tế - xã hội, 105 đại biểu đăng ký phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hộị, Phùng Quốc Hiển (người điều hành phiên họp) đề nghị các đoàn đông đại biểu như Hà Nội, TP.HCM sẽ có 3 đại biểu phát biểu, với các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có 2 đại biểu ở vòng phát biểu ban đầu.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng tăng trưởng được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, Việt Nam là nhóm nước tăng trưởng cao nhất ASEAN, kinh tế có nhiều điểm sáng.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng nếu nhìn năm 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.
Ông Lộc cảnh báo một số nguy cơ với nền kinh tế. Theo đó, ngành chế biến chế tạo đang có tỷ lệ hàng tồn kho lớn chưa từng có. Tính đến ngày 30/9, tỷ lệ hàng tồn kho khu vực này là 17,3%. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Chủ tịch VCCI cũng nếu vấn đề thu hút FDI từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm, trong khi tăng đột biết ở đầu Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc. Ông cho rằng đây là những nguồn FDI không bền vững.
Vị đại biểu Thái Bình cho rằng động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn. Do đó, ông đề nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu.
Ở một góc nhìn khác khi nhìn nhận về vấn đề kinh tế ở góc độ nông nghiệp, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nêu những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và đưa ra giải pháp, mục tiêu phát triển.
Theo ông Công, rào cản lớn nhất trong sản xuất, canh tác nông nghiệp là sự ngăn cách thông tin giữa nông dân và thị trường. Hiện nay, người nông dân không nhận được thông tin chính thống mà phụ thuộc vào phần nhiều vào thương lái.
Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra, bi kịch kêu cứu về hàng nông sản vẫn sẽ còn tiếp diễn.
Rào cản thứ 2 đối với sản xuất nông nghiệp là việc tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Bên cạnh đó, tư duy kinh tế còn nhỏ lẻ. “Hiện nay, chúng ta còn chưa phân rõ tỉnh nào sẽ làm đầu tàu trong kinh tế vùng”, ông Công nói.
Cuối cùng là rào cản về tư duy kinh tế nhỏ lẻ. Ông đánh giá các địa phương vẫn chưa chuyển được từ tư duy kinh tế tỉnh sang kinh tế vùng. Hiện mỗi tỉnh làm một kiểu, dàn hàng ngang ra làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau.
"Do vậy Chính phủ cần có chính sách căn cơ hơn phát triển kinh tế vùng, nhằm chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp thuần tuý là trồng lúa, chạy theo số lượng sang chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ"./.