|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 8/11 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Nhiều kết quả vượt chỉ tiêu Quốc hội giao
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2022, ngành Tòa án đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Số lượng, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đề ra; tiếp tục thi hành hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt và vượt yêu cầu Nghị quyết Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến được tổ chức thi hành khẩn trương và đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn.
|
|
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội (ảnh: VPQH cung cấp). |
Bên cạnh đó, Chánh án TAND tối cao cũng cho biết, ngành Tòa án đã tích cực tham gia xây dựng thể chế, tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; Các Đề án cải cách tư pháp được nghiên cứu, xây dựng đạt chất lượng cao; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ.
Cụ thể, trong năm 2022, ngành Tòa án đã giải quyết 88,9% số các vụ việc đã thụ lý, cao hơn năm trước 7,7%. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Về các vụ án hình sự, ngành Tòa án giải quyết 97,71% số vụ đã thụ lý, vượt 9,71% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội. Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm...
Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc
Bên cạnh các kết quả nêu trên, đồng chí Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, hoạt động của ngành Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: Tỉ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; vẫn còn một số ít vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan; một số cán bộ không chịu rèn luyện đã vi phạm pháp luật và kỷ luật công tác.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội ngày 8/11 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động, TAND tối cao xác định cần thực hiện các giải pháp gồm: tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức; kiện toàn đội ngũ công chức của ngành Tòa án; xây dựng, hoàn thiện thể chế;
Cùng với đó, TAND tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực chuyên môn; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của ngành Tòa án.
Về nhiệm vụ công tác Toà án trong thời gian tới, Chánh án TAND tối cao cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, TAND tối cao.
Đồng thời, xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nhất là nội dung về cải cách tư pháp. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ…