Phát biểu điều hành nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này, có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành nội dung làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4; tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH.

Tại Hội nghị, báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (GDĐT), Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (ảnh: VPQH cung cấp).

Về nội dung cụ thể, đối với ý kiến về mở rộng phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành quy định về phạm vi điều chỉnh tại dự thảo Luật do Chính phủ trình. 

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về GDĐT (Điều 7), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng thực tiễn triển khai tại Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng dự thảo Luật đã quy định tương đối rõ ràng việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về GDĐT (Điều 7). Nghiên cứu ý kiến ĐBQH và Bộ Quốc phòng, Điều 7 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước về GDĐT.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, việc bổ sung quy định Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (dự kiến trong dự thảo Luật được chỉnh lý thành Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ) cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Về ý kiến đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 26 theo hướng quy định chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ được cung cấp bởi Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ do Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý/thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, từ các phân tích về trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về GDĐT và chữ ký số đã nêu trên, quy định thẩm quyền phân công cụ thể tổ chức cung cấp chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ nên giao Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Hội nghị sáng 6/4 (ảnh: VPQH cung cấp).

Về phân công quản lý nhà nước dịch vụ tin cậy (Điều 29), tiếp thu ý kiến của ĐBQH và ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị: (1) chỉ giao một cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin cậy (khoản 3 Điều 29), trong đó bao gồm dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính nguyên vẹn của thông điệp dữ liệu; (2) bổ sung nội dung chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 54 để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đang cung cấp Dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại.

Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 30 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 9 Điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 5 Điều và bỏ 3 Điều.

Đồng thời bãi bỏ 2 Điều của Luật Công nghệ thông tin; sửa đổi 1 ngành nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư; sửa đổi 1 tên phí thuộc Danh mục Phí, Lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí; thay thế cụm từ “chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” bằng cụm từ “chữ ký số chuyên dùng công vụ” tại Điều 49 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và thay thế cụm từ “hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng” bằng cụm từ “hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ” tại khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến GDĐT.

Cảnh Vũ