leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Hội nghị chiều 5/4 (ảnh: VPQH cung cấp).

Đề nghị bổ sung quyền được trả lại sản phẩm, hàng hoá

Cơ bản thống nhất nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước góp ý vào khoản 6 Điều 4 về quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định quyền được trả lại sản phẩm, hàng hoá và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sắm sản phẩm, hàng hoá cần được áp dụng không chỉ đối với hàng hoá có khuyết tật mà còn với sản phẩm, hàng hoá không đúng như quảng cáo giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh bổ sung điểm d, khoản 3, Điều 39 của dự thảo Luật để hoàn chỉnh hơn như sau: cho phép người tiêu dùng được phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp, đồng thời hiển thị đầy đủ và chính xác kết quả phản hồi, đánh giá, trừ những trường hợp phản hồi, đánh giá đó có vi phạm pháp luật và trái với đạo đức xã hội để phù hợp với thực tiễn và tăng tính khả thi cũng như hiệu lực, hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung Điều 39 các quy định về nền tảng số cần thực hiện các biện pháp giám sát, phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng có dấu hiệu nghi ngờ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…. Đồng thời quy định về thời hạn loại bỏ khỏi nền tảng những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Về quy định các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhận thấy, quy định như dự thảo không thống nhất với các quy định tại các Điều 100, Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Cấm chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ 3 khi chưa được đồng ý

Góp ý về Điều 10 về các hành vi bị cấm của dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị bổ sung thêm quy định: Cấm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao thông tin được thu thập phù hợp với quy định của luật này và pháp luật có liên quan cho bên thứ ba lưu trữ, hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định của luật này.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Tại Khoản 3, Điều 18 dự thảo luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng chính xác, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được người tiêu dùng đồng ý.

Đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, Luật An toàn thông tin mạng và Thông tư số 20 ngày 12/9 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra yêu cầu về nghĩa vụ thông báo của bên kiểm soát dữ liệu hoặc chủ sở hữu hệ thống dữ liệu khi có sự cố hoặc hành vi xâm phạm dữ liệu xẩy ra. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định tại dự thảo Luật, nhằm đảm bảo sự tương thích, thống nhất nội dung trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Đối với các quy định tại Mục 1, Chương III về giao dịch từ xa, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định các nội dung liên quan đến giao dịch điện tử như: giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa (Điều 38), giao dịch trên không gian mạng (Điều 39) cho phù hợp, thống nhất với các quy định tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang lấy ý kiến.

Thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng “vừa thừa, vừa thiếu”

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, các quy định về thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang ở trạng thái “vừa thừa, vừa thiếu”, không đảm bảo thống nhất với các quy định về thủ tục tố tụng trong hệ thống pháp luật, chưa sát với tình hình xử lý trong thực tiễn.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho rằng, những nội dung quy định này dễ gây áp dụng không thống nhất khi luật được ban hành, do vậy, cần tiếp tục rà soát, tổng kết từ các vụ việc thực tiễn, từ công tác xét xử các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có quy định khả thi, sát với thực tế, hạn chế các trường hợp bỏ sót tình tiết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan.

Ngoài ra, đối với quy định về hợp đồng theo mẫu, đại biểu đề nghị cần quy định về cỡ chữ trong hợp đồng theo mẫu để người tiêu dùng có thể dễ dàng nắm bắt toàn bộ thông tin về hợp đồng trước khi ký hợp đồng, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giao dịch.

Làm rõ quan điểm khi trình Quốc hội

Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau thời gian thảo luận, đã có 7 lượt ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã giải trình các ý kiến các đại biểu quan tâm.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu đã nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, đặc biệt là các nội dung như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, khái niệm người tiêu dùng, hoạt động cụ thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc giải quyết tranh chấp tại tòa án, các quy định liên quan đến đảm bảo công bằng, quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tích cực nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật. Sau đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cần có văn bản xin ý kiến Chính phủ về các nội dung tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm cho ý kiến, làm rõ quan điểm khi trình Quốc hội, chuẩn bị đầy đủ các văn bản cần thiết kèm theo. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật theo đúng quy định của pháp luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Vũ Cảnh