leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Hội nghị chiều 5/4 (ảnh: VPQH cung cấp).

Cân nhắc với các dự án đấu thầu có liên quan đến bất động sản

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Vân Chi – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, Điều 62 của dự thảo Luật có quy định 2 phương pháp.

Theo đó, phương pháp thứ nhất là đánh giá lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước được áp dụng để đánh giá nhà đầu tư chào phương án thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có hiệu quả sử dụng đất hoặc hiệu quả đầu tư, phát triển ngành, lĩnh vực cao nhất. Phương pháp thứ hai là đánh giá theo tiêu chí cố định được áp dụng đối với dự án có yêu cầu đặc thù theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực mà cần xác định tiêu chí cố định khi đánh giá hiệu quả đầu tư, phát triển ngành, lĩnh vực.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Vân Chi – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Đối với các phương pháp khác được quy định chung tại dự thảo Luật, đại biểu đề nghị làm rõ thêm thời điểm bên mời thầu báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét các phương pháp khác trong chu trình đấu thầu, chu trình đánh giá hồ sơ dự thầu, xét duyệt trúng thầu. Phương pháp khác này được cơ quan mời thầu xây dựng trên cơ sở nào, đề cập trong hồ sơ mời thầu hay không?

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ, trong trường hợp phương pháp khác này được xác định trước, được đưa vào trong hồ sơ mời thầu, thì liệu có cách nào tránh được việc các cơ quan mời thầu xây dựng cơ chế mời thầu, xét duyệt thầu khác nhau theo từng dự án. Cơ chế này có mở rộng hơn so với quy định của Luật Đấu thầu hay không. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ với các dự án đấu thầu có liên quan đến sử dụng đất, bất động sản.

Không nên quy định tổ chức đấu thầu trước

Góp ý về tổ chức đấu thầu trước, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… phát sinh nhiều tiêu cực. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc quy định không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo Luật.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Về chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh về sự cần thiết nhất là trong những trường hợp đặc biệt để đảm bảo các tiêu chí đề ra tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn, do vậy cần quy định cụ thể về nội dung này. Đại biểu cũng thống nhất với quy định về đấu thầu dự án, nhưng dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn đảm bảo khách quan, công bằng cho các nhà đầu tư, tránh hình thức.

Ngoài ra, quy định về tổ thẩm định giá, chuyên gia thẩm định giá có vai trò rất quan trọng, đại biểu đề xuất quy định rõ tiêu chí, quy định rõ trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với những trường hợp này.

Cân nhắc kỹ quy định về chỉ định thầu

Quan tâm phát biểu ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, minh bạch, sẽ giúp quá trình mua sắm công của nước ta tốt hơn. 

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị bổ sung thêm nội dung về đấu thầu rộng rãi, theo đó cần có quy định đấu thầu chỉ về giá cho các gói thầu thông thường. Bởi ở nước ta hàng năm thực hiện hàng ngàn gói thầu, trong đó có rất nhiều gói thầu thông thường với quy mô dưới 50 tỉ, cùng một loại công trình xây dựng…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Do vậy, đại biểu cho rằng, cần có giải pháp để cho các nhà thầu chỉ đấu thầu về giá, giúp giảm chi phí cho nhà thầu và đặc biệt hạn chế được nhà thầu phải gặp chủ đầu tư trước khi đấu thầu, bởi làm như vậy thì nó sẽ không khách quan.

Đặc biệt, về nội dung tại Điều 23 quy định chỉ định thầu, dự thảo Luật quy định gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng. 

Đại biểu Minh cho rằng, gói thầu về mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia là gói thầu đặc biệt, có thể phải chỉ định thầu trong suốt quá trình. Tuy nhiên gói thầu về khắc phục sự cố thiên tai hoặc bất khả kháng thì chỉ cần trong một thời gian ngắn. Do vậy, để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo Luật cần quy địch tách ra. Quy định như vậy, sẽ tránh được kẽ hở bị lợi dụng.

Cần khuyến khích áp dụng đấu thầu tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị xem xét lại quy định áp dụng chỉ định thầu với gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu cho rằng quy định này khác với Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng thẩm quyền của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cân nhắc nghiên cứu kĩ lưỡng để quy định đúng vai của các cơ quan.

Góp ý về về đấu thầu thuốc và vật liệu y tế, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị xem xét vấn đề đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia và đấu thầu địa phương. Đại biểu cho biết trong lĩnh vực này, người đấu thầu là người không sử dụng. Tại địa phương, Sở là đơn vị đấu thầu rồi mới cấp phát cho các đơn vị.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Thực tiễn giám sát các địa phương vừa qua cho thấy có một số tỉnh do chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến cả tỉnh chậm thuốc, tương tự như vậy đối với vật tư y tế cũng như quy mô quốc gia. Trong đó có những loại thuộc người bệnh rất cần, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp, bệnh viện có đủ cơ sở, có dủ khả năng để mua thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ Sở đấu thầu theo rất nhiều quy trình. 

Chỉ rõ bất cập này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị riêng với ngành y tế là ngành đặc thù nên cần phải xem xét về quy định về đấu thầu tập trung, đấu thầu thuốc để có quy định phù hợp.

Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, tiếp thu

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật, tập trung vào các vấn đề như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các trường hợp chỉ định, các phương pháp lựa chọn nhà thầu, đấu thầu trước, mua sắm thuốc…

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật. Sau đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cần có văn bản xin ý kiến Chính phủ về các nội dung tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm cho ý kiến, làm rõ quan điểm khi trình Quốc hội, chuẩn bị đầy đủ các văn bản cần thiết kèm theo. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo đúng quy định của pháp luật, hướng tới trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5...

Vũ Cảnh