Tham dự buổi Lễ có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Nguyễn Duy Giảng, Nguyễn Quang Dũng. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, nguyên Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao dự buổi lễ.

Buổi lễ còn có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo Viện khoa học hình sự Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Trại tạm giam T771; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao, đại diện Viện kiểm sát quân sự Trung ương, đại diện lãnh đạo các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
Các đại biểu làm lễ Chào cờ tại buổi Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng điều tra của ngành Kiểm sát nhân dân. 

Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Thanh Từng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tóm tắt quá trình xây dựng và phát triển lực lượng điều tra ngành Kiểm sát nhân dân (18/4/1962 - 18/4/2022).

Ngày 18/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 12/L-CTN công bố Pháp lệnh quy định về bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó có Vụ điều tra thẩm cứu (tiền thân của Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày nay), đánh dấu sự ra đời của lực lượng điều tra ngành Kiểm sát nhân dân. Trong giai đoạn đầu mới được thành lập, hoạt động điều tra của Viện kiểm sát nhân dân được tiến hành ở cả 3 cấp kiểm sát, trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành. 

Đến năm 1989, trên cơ sở quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước ta, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự đã quy định: Cơ quan điều tra VKSND là một trong hệ thống các Cơ quan điều tra chuyên trách; có thẩm quyền điều tra trong những trường hợp, khi Viện trưởng xét thấy cần thiết.

Theo đó, Cơ quan điều tra ngành Kiểm sát nhân dân được tổ chức ở hai cấp: Tại VKSND tối cao có Cục Điều tra đồng thời là Cơ quan điều tra (được thành lập trên cơ sở Vụ Điều tra thẩm cứu), còn ở VKSND các tỉnh có 36 Phòng Điều tra trên tổng số 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ năm 2003 đến năm 2009, theo yêu cầu cải cách tư pháp, để phù hợp với nhiệm vụ mới, Luật tổ chức VKSND 2002, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 ra đời đã quy định Cơ quan điều tra chỉ tổ chức ở VKSND tối cao, với chức năng, nhiệm vụ “điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp”.

Từ năm 2018 đến nay, Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí trong hệ thống các cơ quan tư pháp, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị hữu quan và nhân dân tin tưởng, ghi nhận.

Sau khi Quốc hội thông qua Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, từ ngày 1/1/2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV Bộ luật hình sự, xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp, khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân. Như vậy, theo các quy định mới, Cơ quan điều tra VKSND tối cao được mở rộng về thẩm quyền điều tra, trong đó mở rộng cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm. Trong đó, các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp mà trước đây thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Công an các cấp, nay thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Ngoài ra, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cũng quy định cụ thể về các nhiệm vụ tăng thêm, như: Tổ chức trực ban hình sự, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm...

Cùng với việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc thẩm quyền, trên cơ sở tổng kết hoạt động điều tra trong thực tiễn và quy định của Luật, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tập trung tham mưu với Lãnh đạo VKSND tối cao ban hành 24 Quy chế, Quy định hướng dẫn, triển khai thực hiện luật; trong đó, có 5 Quy chế, 18 Quy định, 1 Chỉ thị. Nhiều văn bản quan trọng và lần đầu tiên được ban hành như: Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 17/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác điều tra của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao. Trong đó, nhấn mạnh “Cơ quan điều tra VKSND tối cao là thiết chế kiểm soát quyền lực tư pháp, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tư pháp trong sạch, vững mạnh; đồng thời là cơ chế để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp. Do vậy, phải tập trung tăng cường các nguồn lực nhằm xây dựng Cơ quan điều tra VKSND tối cao đủ mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Trải qua 60 năm lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức ở trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Cơ quan điều tra VKSND tối cao nói riêng đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành; đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chúc mừng Cơ quan điều tra VKSND tối cao trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, trong suốt quãng thời gian đó, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết, cùng một ý chí phấn đấu nhằm bảo vệ và xây dựng Cơ quan điều tra của ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng phát triển vững mạnh. Các thế hệ cán bộ, Điều tra viên của đơn vị qua các thời kỳ, đã nỗ lực cống hiến sức lực và trí tuệ, ra sức thi đua thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, ngành Kiểm sát và nhân dân giao phó.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí chỉ đạo Cơ quan điều tra VKSND tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo quy định của các đạo luật mới, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ quan điều tra VKSND tối cao trên cơ sở tiến hành tổng kết căn bản, toàn diện thực tiễn thi hành các luật về tư pháp nói chung, pháp luật về tổ chức và hoạt động Cơ quan điều tra nói riêng, đề xuất sửa đổi, bổ sung để đổi mới về tổ chức và hoạt động, tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra nói chung, Cơ quan điều tra VKSND tối cao nói riêng.

Sớm kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng hình thành Cơ quan điều tra chuyên trách, ngoài các phòng điều tra tố tụng, cần có đơn vị trinh sát nghiệp vụ, các đơn vị thực hiện các hoạt động nghiệp vụ đặc thù phục vụ cho hoạt động phát hiện tội phạm và điều tra vụ án, nhất là các hoạt động như: Điều tra kỹ thuật số, phối hợp thực hiện điều tra tố tụng đặc biệt… Đổi mới phương pháp thu thập, quản lý thông tin về tội phạm; tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở, để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp xảy ra trên toàn quốc; nâng cao trách nhiệm cung cấp thông tin về tội phạm trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân và có cơ chế khuyến khích, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để trao đổi nguồn thông tin.

Đổi mới phương pháp điều tra, phương pháp kiểm tra, xác minh theo hướng nâng cao chất lượng điều tra của các phòng điều tra tội phạm tại các địa bàn chuyên sâu từng lĩnh vực hoạt động tư pháp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ và phát huy có hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát từ bên ngoài đối với hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động điều tra nói riêng; đảm bảo cán bộ, công chức tư pháp, trước hết là các Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải thực sự trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, liêm chính, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cần tăng cường các điều kiện bảo đảm phục vụ hoạt động điều tra; phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra tội phạm, góp phần giúp Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực sự trở thành một trong những lực lượng tinh nhuệ của ngành Kiểm sát nhân dân. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các Viện kiểm sát, Viện Công tố một số nước tiên tiến, phát triển trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về điều tra kỹ thuật số, giám định kỹ thuật hình sự,… nhằm nâng cao trình độ điều tra, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng lưu ý, trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay của Đảng, của pháp luật, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cần nhận thức đầy đủ hơn nữa, làm gì để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà đầy khó khăn. Khó khăn ở đây chính là đối tượng chúng ta tác động gồm cả những người hôm qua là đồng chí, đồng nghiệp và những người rất am hiểu về pháp luật, có trình độ cao. Nhưng trước yêu cầu của Đảng, pháp luật, niềm tin của người dân vào công lý, vào việc không để oai sai, bỏ lọt tội phạm, chúng ta phải làm đến nơi, đến chốn.

Nhân dịp này, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Viện trưởng VKSND tối cao đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 02 cá nhân thuộc Cơ quan điều tra VKSND tối cao do có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Lãnh đạo VKSND tối cao cũng trao Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao cho tập thể Cơ quan điều tra VKSND tối cao và 04 tập thể trực thuộc, 16 cá nhân do có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2017 - 2022.

 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng đồng chí Lê Hồng Thanh, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao và đồng chí Trần Hùng Mạnh, Trưởng phòng 10, Cơ quan điều tra VKSND tối cao.  
leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trao Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao tặng tập thể Cơ quan điều tra VKSND tối cao. 
leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao tặng 16 cá nhân thuộc Cơ quan điều tra VKSND tối cao. 

 

Vũ Phương