|
|
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Ảnh: PV |
Ngày 18/4/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 12/L-CTN công bố Pháp lệnh quy định về bộ máy của VKSND tối cao, trong đó có Vụ Điều tra thẩm cứu (tiền thân của Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày nay), đánh dấu sự ra đời của lực lượng điều tra ngành Kiểm sát nhân dân.
Trong giai đoạn đầu mới được thành lập, hoạt động điều tra của VKSND được tiến hành ở cả 3 cấp kiểm sát, trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Theo số liệu thống kê của ngành Kiểm sát, trước năm 1970, VKSND cấp huyện trực tiếp điều tra đến 50% và VKSND cấp tỉnh điều tra đến 25% tổng số án thụ lý.
Hầu hết các vụ án do VKSND trực tiếp điều tra trong giai đoạn này là các vụ án do yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, hoặc các vụ án do Cơ quan điều tra của Công an điều tra có dấu hiệu thiếu khách quan, toàn diện, cán bộ điều tra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Về thẩm quyền điều tra, năm 1989, trên cơ sở quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên của nước ta, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự đã quy định: Cơ quan điều tra VKSND là một trong hệ thống các Cơ quan điều tra chuyên trách; có thẩm quyền điều tra trong những trường hợp, khi Viện trưởng xét thấy cần thiết.
Theo đó, Cơ quan điều tra ngành Kiểm sát nhân dân được tổ chức ở hai cấp: Tại VKSND tối cao có Cục Điều tra đồng thời là Cơ quan điều tra (được thành lập trên cơ sở Vụ Điều tra thẩm cứu), còn ở VKSND các tỉnh có 36 Phòng Điều tra trên tổng số 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2009, theo yêu cầu cải cách tư pháp, để phù hợp với nhiệm vụ mới, Luật Tổ chức VKSND 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 ra đời đã quy định Cơ quan điều tra chỉ tổ chức ở VKSND tối cao, với chức năng, nhiệm vụ “điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp”.
Vì vậy, bộ máy tổ chức của Cơ quan điều tra VKSND tối cao chỉ có 3 phòng với 32 biên chế, trong đó có 31 Điều tra viên.
Từ năm 2010, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động của VKSND để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã được củng cố và tăng cường. Ngày 19/8/2010, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục Điều tra, theo đó, tổ chức bộ máy của Cục Điều tra – VKSND tối cao có 5 phòng nghiệp vụ và 2 đại diện thường trực ở miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, với tổng số 52 biên chế.
Đến năm 2017, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có 7 Phòng nghiệp vụ; 2 Đại diện Thường trực Cơ quan điều tra VKSND tối cao tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam; với tổng số 103 biên chế.
Với thẩm quyền điều tra đối với 38 tội danh, bao gồm 24 tội xâm phạm hoạt động tư pháp, 14 tội về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp thì việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra đòi hỏi phải được tiến hành mạnh mẽ hơn nữa.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, VKSND tối cao đã kiện toàn bộ máy tổ chức của Cơ quan điều tra VKSND tối cao theo hướng thành lập thêm một số phòng nghiệp vụ kết hợp giữa điều tra chuyên sâu với điều tra gắn với địa bàn. Đến nay, Bộ máy tổ chức của Cơ quan điều tra VKSND tối cao gồm 10 phòng nghiệp vụ, 2 đại diện ở miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, với tổng số biên chế 185 người.
Mô hình đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng Cơ quan điều tra được tổ chức tập trung ở VKSND tối cao và có thường trực ở các vùng, miền, sau nhiều năm triển khai thực hiện đã khẳng định được tính hiệu quả, bảo đảm việc phân loại, xử lý thông tin tố giác tội phạm, điều tra vụ án được kịp thời, chính xác, đúng thời hạn; Vừa phát huy được sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống VKSND, vừa bảo đảm hoạt động độc lập, chỉ huy thống nhất của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, thẩm quyền và trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng được tăng lên. Đặc biệt, sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, từ ngày 1/1/2018, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV Bộ luật Hình sự, xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, TAND, VKSND, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp, khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND. Theo quy định mới, Cơ quan điều tra VKSND tối cao được mở rộng về thẩm quyền điều tra, trong đó mở rộng cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm. Trong đó, các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà trước đây thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Công an các cấp, nay thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
Theo thống kê, từ năm 2003 đến năm 2009, Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố 70 vụ/ 95 bị can, trung bình mỗi năm có 10 vụ được khởi tố; thì trong 7 năm từ năm 2010 đến năm 2016, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố 237 vụ với 257 bị can, trung bình mỗi năm có 34 vụ được khởi tố.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Ảnh: PV |
Trong 5 năm (2016 - 2020), số vụ án được Cơ quan điều tra VKSND tối cao phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước; trong đó, có nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm; Thông qua hoạt động điều tra tội phạm trong hoạt động tư pháp, đã ban hành gần 500 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm, tội phạm (tăng 60%). Đặc biệt, từ năm 2018 đến năm 2021, Cơ quan điều tra đã tổng hợp các dạng vi phạm trong từng ngành Tư pháp để tham mưu, trình lãnh đạo VKSND tối cao ký ban hành 9 kiến nghị tổng hợp gửi Bộ Công an, TAND tối cao, Bộ Tư pháp để khắc phục và phòng ngừa chung; được các cơ quan tư pháp nghiêm túc tiếp thu và có biện pháp khắc phục.
Riêng năm 2021, tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tăng 16,5% và vượt 2,9% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tỉ lệ khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%, vượt 10% so với chỉ tiêu của Quốc hội và tăng 37%; số bị can bị khởi tố năm 2021 tăng 69,4% so với năm 2020.
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, chất lượng công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày càng được nâng cao, số vụ án được phát hiện, khởi tố ngày càng tăng, góp phần xiết chặt kỷ cương, kỷ luật, phòng ngừa tiêu cực, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Trong số hàng trăm vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp được phát hiện, khởi tố, điều tra những năm gần đây có rất nhiều vụ án xảy ra từ nhiều năm trước song đã được Cơ quan điều tra VKSND tối cao đưa ra ánh sáng gây chấn động dư luận. Đó là vụ minh oan, trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn, sau 10 năm bị tù oan về tội “Giết người”; liên quan đến vụ án này, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố đối với Điều tra viên và Kiểm sát viên trực tiếp điều tra và kiểm sát điều tra vụ án.
Đặc biệt, kể từ khi được mở rộng thẩm quyền điều tra các tội tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Cơ quan điều tra đã phát hiện, điều tra nhiều vụ án thuộc loại tội phạm này, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Điển hình là các vụ án: Trần Thị Thanh Hòa, Kế toán trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ phạm tội “Tham ô tài sản”. Trong thời gian từ năm 2016 đến 2018, Trần Thị Thanh Hòa đã lợi dụng chức vụ được giao, lập khống chứng từ để chuyển tiền trong tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Chi cục THADS TP Việt Trì mở tại Kho bạc và Ngân hàng vào các tài khoản của bạn bè và người thân trong gia đình, sau đó rút ra chiếm đoạt sử dụng cá nhân, chiếm đoạt tổng số tiền là 5 tỉ 653 triệu đồng.
Vụ án Trịnh Trọng Trung, Thủ kho vật chứng, Phó Văn phòng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội về tội “Tham ô tài sản”. Sau khi tiếp nhận vật chứng (là thuốc lá điếu và xì gà do nước ngoài sản xuất, linh kiện điện tử, điện thoại di động…) trị giá hơn 16 tỉ đồng, Trịnh Trọng Trung đã tự ý lấy một số lượng đặc biệt lớn để sử dụng vào mục đích cá nhân và bán với số lượng lớn để thu lời bất chính.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án được dư luận rất quan tâm như: Vụ án “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” xảy ra tại Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; Vụ án “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” xảy ra tại Công an quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng; Vụ án “Nhận hối lộ” và “Tha trái pháp luật người bị tạm giữ” xảy ra tại Công an quân Tây Hồ, TP Hà Nội...
Có thể nói, 60 năm qua, lực lượng điều tra của ngành Kiểm sát nhân dân đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang của mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân. Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội và làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp. Đồng thời, là công cụ sắc bén, hiệu quả để ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Những phần thưởng cao quý:
Năm 2016, Cơ quan điều tra VKSND tối cao được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
- Năm 2021, Cơ quan điều tra VKSND tối cao được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016- 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
|
Ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp
Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày càng thể hiện vai trò và vị thế trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thể hiện là Cơ quan kiểm soát quyền lực tư pháp, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tư pháp trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp. Tôi đánh giá rất cao về vai trò của Cơ quan điều tra VKSND tối cao nói riêng và VKSND trong thời gian qua đã rất quyết liệt phát hiện, điều tra, kiểm sát điều tra, truy tố những vụ án, tham nhũng. Có được kết quả này là nhờ bàn tay, khối óc và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong lĩnh vực này.
Thời gian tới, Viện kiểm sát cần xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán có đạo đức, năng lực, trình độ và trách nhiệm để bảo đảm cho các vụ án được đưa ra xét xử, đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không có án oan, sai; mọi sai phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…
|
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án TAQS Trung ương: Thiết lập lòng tin tư pháp, lòng tin công lý trong nhân dân
Tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những tội phạm có chủ thể đặc biệt, trong một lĩnh vực đặc biệt. Đó là các tội phạm do cán bộ của các cơ quan trong hệ thống tư pháp, những người có hiểu biết pháp luật cao; có kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp liên quan đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, một lĩnh vực mà không thể ai cũng có điều kiện tiếp xúc... Cho nên, các phương thức thực hiện tội phạm khá tinh vi, phức tạp; việc phát hiện và chứng minh tội phạm là rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Cơ quan điều tra ở VKSND để điều tra các vụ án về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người thực hiện tội phạm là cán bộ trong các cơ quan tư pháp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tư pháp, thiết lập lòng tin tư pháp, lòng tin công lý trong nhân dân.
Ngoài ra, theo tinh thần cải cách tư pháp ở nước ta được thể hiện trong Nghị quyết của Bộ Chính trị số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp, VKSND có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra; gắn công tố với điều tra, công tố chỉ đạo điều tra. Tuy nhiên, những nội dung này nhận thức và thực hiện trên thực tế còn rất hạn chế, thiếu thống nhất, thiếu hiệu quả. Vì vậy, để tiếp tục công cuộc cải cách tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên chăng chúng ta cần đi xa hơn, thay cho việc chỉ đạo điều tra, nên xây dựng cơ chế Điều tra dự thẩm để Cơ quan Công tố thực hiện việc điều tra tất cả các vụ án hình sự, thành lập Cơ quan điều tra ở các Viện kiểm sát cấp tỉnh, bổ nhiệm Công tố viên điều tra (Dự thẩm viên); còn các Cơ quan điều tra hiện nay chỉ giúp Công tố viên điều tra (Dự thẩm viên) thực hiện các biện pháp điều tra. Có như vậy, Viện kiểm sát (Cơ quan Công tố) mới có thể nắm chắc vụ việc và thực hiện có hiệu quả việc buộc tội tại Tòa án theo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm.
|
Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hải Phòng: Bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của cơ quan tư pháp
Trong những năm gần đây vai trò, vị thế của Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày càng được nhân dân, cử tri cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Điều này góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào công lý. Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận, nhân dân đặc biệt quan tâm, dõi theo. Trong đó, có những người từng giữ các chức vụ, vị trí quan trọng trong các cơ quan tư pháp bị khởi tố, bắt giam, xử lý nghiêm minh. Những kết quả đạt được của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã gây được tiếng vang, niềm tin trong giới luật sư, luật gia và nhân dân cả nước.
Các tội tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp cũng được Cơ quan điều tra VKSND phát hiện, điều tra, khởi tố có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý nghiêm minh và ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm, tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành KSND trong việc thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; trở thành công cụ đắc lực, góp phần vào sức mạnh chung của toàn Ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp.
|