Tốn kém, nguy cơ lây lan dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt khi biến chủng Omicron xuất hiện làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát.
Bởi vậy, đối với các sự kiện, hội họp đông người hay việc đi lại giữa các địa phương thì việc yêu cầu test nhanh hay xét nghiệm PCR là cần thiết để phòng, chống lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít người “kêu trời” vì sáng ngoáy mũi, chiều lại ngoáy để xét nghiệm COVID-19. Có ý kiến cho rằng, các đơn vị, cơ sở y tế tổ chức xét nghiệm PCR, test nhanh COVID-19 phải cập nhật lên ứng dụng để thuận tiện hơn cho người đã xét nghiệm.
Điều này không chỉ giảm chi phí, giảm thời gian và còn tránh được nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng như gây tâm lý sợ “ngoáy mũi”.
|
|
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). |
Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nên bắt buộc các cơ sở y tế tổ chức xét nghiệm PCR cho người dân, phải cập nhật dữ liệu lên ứng dụng phòng chống dịch quốc gia PC-Covid để thuận tiện cho người được xét nghiệm.
Việc cập nhật dữ liệu, kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR lên ứng dụng PC-Covid là rất cần thiết để thuận tiện cho người được xét nghiệm. Tránh tình trạng người đã xét nghiệm PCR có kết quả âm tính rồi nhưng chỉ vì không lấy kết quả nên khi di chuyển đến địa phương, địa điểm, cơ quan, cuộc họp nào đó lại phải xét nghiệm PCR lại.
“Điều này rất tốn kém, lãng phí lớn mà còn khiến nhiều người sợ xét nghiệm và cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bởi vậy, đã có ứng dụng rồi chỉ cần cập nhật dữ liệu của người đã xét nghiệm sẽ thuận tiện và giảm chi phí hơn nhiều”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
|
|
Người dân xếp hàng chờ đến lượt để được khai báo y tế khi vào tỉnh Yên Bái. |
Lập chốt giữa các tỉnh là cách làm thiếu khoa học
Thời gian gần đây, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, không ít địa phương bắt đầu siết chặt người từ ngoại tỉnh vào bằng việc lập chốt kiểm soát dịch, yêu cầu người đến phải khai báo y tế, test nhanh khiến nhiều chốt ùn tắc, người dân phải xếp hàng dài, thậm chí để qua chốt phải mất vài tiếng đồng hồ.
Về việc này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thẳng thắn cho rằng, địa phương nào làm như vậy là không đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Việc yêu cầu người dân chờ đợi, xếp hàng để khai báo y tế, test nhanh COVID-19 mới được qua chốt vào địa phương là cách làm rất thiếu khoa học, không cần thiết và cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Điều quan trọng, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga là công tác tuyên truyền người dân trước khi đi/về địa phương cần tiêm đủ vắc xin, đã xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính. Không phải cứ lập chốt, test nhanh tại chốt là có thể ngăn chặn được dịch.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga thẳng thắn cho rằng, việc ra yêu cầu cách ly người về từ vùng dịch như Hà Nội hay một số địa phương khác đang có dịch là không có căn cứ, bởi có phải ai về từ Hà Nội cũng mắc COVID-19. Chúng ta phải suy nghĩ thích ứng với dịch.
Chúng ta phải tự bảo vệ mình bằng việc tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, hạn chế tối đa đến nơi đông người. Việc đi lại giữa các địa phương không có vấn đề gì lớn. Bởi nếu chỉ đi trên đường, đeo khẩu trang, không nói chuyện, tiếp xúc với ai thì nguy cơ không cao. Nhưng nếu không quá cần thiết thì chúng ta không nên di chuyển, đi lại khi dịch COVID-19 đang căng thẳng.
Địa phương cần rà soát thật kỹ trường hợp nào chưa tiêm, tiêm chưa đủ vắc xin thì cần sớm và nhanh nhất triển khai tiêm cho người dân để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
|
|
Một lái xe chia sẻ, khi qua chốt phải dừng chờ, xếp hàng để khai báo y tế thủ công. Ảnh: Hữu Hưởng. |
Thời gian gần đây, không ít tỉnh, thành áp dụng, triển khai phòng, chống dịch mỗi nơi một kiểu, nhiều địa phương như: Yên Bái, Sơn La, Bắc Giang... bắt buộc người ngoại tỉnh khi vào tỉnh phải khai báo y tế, test nhanh COVID-19 khiến giao thông ùn tắc, người dân mệt mỏi chờ đợi và tiềm ẩn rất cao nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đáng chú ý, nhiều trường hợp lái xe, người dân đã khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng nhưng vẫn bị yêu cầu xuống xe khai báo y tế trên giấy.