Theo Nghị quyết, việc bảo đảm các điều kiện để phòng, chống dịch COVID-19, nhất là về thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết và cấp bách. Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Theo Nghị quyết, việc bảo đảm các điều kiện để phòng, chống dịch COVID-19, nhất là về thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết và cấp bách. Ảnh minh họa

Cụ thể, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 là cơ sở tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị người nhiễm COVID-19  theo một trong các hình thức tổ chức sau đây:

Các cơ sở được thành lập để thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 gồm: Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; bệnh viện điều trị COVID-19; bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19; trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19; trạm y tế lưu động; Các khoa, phòng, bộ phận, đơn vị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19.

Về thẩm quyền thành lập, giao nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền thành lập, giao nhiệm vụ thu dung, điều trị COVID-19 phân công một cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Nghị quyết cũng quy định về cơ chế, chính sách đối với sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc trong tình hình dịch COVID-19.

Theo đó, đối với các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phục vụ trực tiếp cho phòng, chống dịch COVID-19 mà không cung cấp được bản chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định thì được thay thế bằng một trong các thông tin, tài liệu như: Thông tin công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố; Xác nhận của cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ pháp lý theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam.

Đối với vắc xin đã được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt quy định tại điểm c khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Đối với vắc xin do Chính phủ các nước viện trợ cho Việt Nam đã được WHO hoặc các nước thuộc nhóm Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục quy định tại điểm c khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.

Nghị quyết cũng quy định về thủ tục nhập khẩu đối với thuốc điều trị COVID-19, vắc xin phòng COVID-19 mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 hoặc được viện trợ, tài trợ.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2021 đến hết ngày 31/12/2022, đối với quy định tại (1) và (3) áp dụng từ ngày 1/1/2021.

 

Minh Nhật