Hiệp định bao gồm Lời nói đầu và 24 Điều, quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa các cơ quan có thẩm quyền hai nước.

Hiệp định quy định về các điều cụ thể như sau: Mục đích của Hiệp định (Điều 1); Sử dụng thuật ngữ (Điều 2); Phạm vi tương trợ (Điều 3); Cơ quan trung ương (Điều 4); Nội dung và hình thức văn bản yêu cầu tương trợ (Điều 5); Từ chối hoặc hoãn thực hiện tương trợ (Điều 6); Thực hiện yêu cầu tương trợ (Điều 7); Tống đạt giấy tờ (Điều 8);

Cung cấp thông tin (Điều 9); Trả lại tài liệu cho Bên được yêu cầu (Điều 10); Khám xét và thu giữ (Điều 11); Thu thập chứng cứ và lấy lời khai (Điều 12); Chuyển giao tạm thời người đang chấp hành hình phạt tù để hỗ trợ điều tra hoặc cung cấp chứng cứ tại Bên yêu cầu (Điều 13); Tổ chức đưa người khác hỗ trợ điều tra hoặc cung cấp chứng cứ tại Bên yêu cầu (Điều 14); Chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 15);

Bảo đảm an toàn (Điều 16); Tài sản do phạm tội mà có và công cụ, phương tiện phạm tội (Điều 17); Bảo mật và giới hạn sử dụng (Điều 18); Chứng nhận và chứng thực (Điều 19); Đại diện và chi phí (Điều 20); Mối quan hệ với các thỏa thuận khác (Điều 21); Tham vấn (Điều 22); Giải quyết bất đồng (Điều 23) và Hiệu lực và chấm dứt Hiệp định (Điều 24).

leftcenterrightdel
 

Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi (30) sau ngày trao đổi thông báo sau cùng qua đường ngoại giao về việc hoàn thành thủ tục pháp luật trong nước về phê chuẩn Hiệp định để Hiệp định có hiệu lực. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, Hiệp định sẽ là khung pháp lý trực tiếp áp dụng trong quá trình lập, gửi và thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Lào, qua đó, góp phần giải quyết có hiệu quả các vụ án hình sự liên quan đến hai nước; đồng thời cũng là công cụ pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mỗi nước.

Kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực, các Điều 1 đến 16 và Điều 74 của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào ký ngày 6/7/1998 tại Hà Nội sẽ không được áp dụng đối với hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa các Bên và các Điều 54 đến 58 của Hiệp định này sẽ chấm dứt hiệu lực.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí và Viện trưởng VKSND tối cao Lào Khăm-sản Su-vông ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam - Lào
Việc tăng cường, chủ động để xuất, đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài thể hiện quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện các nghĩa vụ, cam kết quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; tiếp tục khẳng định chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, là sự cụ thể hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung.

Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Lào mới này sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào; là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tư pháp hai nước nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và giải quyết hiệu quả các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của hai nước; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai nước nói riêng.

leftcenterrightdel
 Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam - Lào

Buổi sáng cùng ngày, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đã có buổi hội đàm với Viện trưởng VKSND tối cao Lào Khăm-sản Su-vông. Tại buổi hội đàm, Viện trưởng VKSND tối cao hai nước cùng điểm lại kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc hai Bên đã tổ chức đàm phán thành công Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự chỉ trong thời gian rất ngắn, 4 tháng triển khai kể từ khi Viện trưởng VKSND tối cao hai nước thống nhất ghi nhận cần thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định này tại Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào vào tháng 8/2019; thảo luận và thống nhất các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa VKSND hai nước trong thời gian tới.

Theo đó, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi đoàn các cấp sang thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm công tác, đặc biệt cần nghiên cứu mở rộng hoạt động hợp tác đến cấp cơ sở là VKSND các huyện có chung đường biên giới hai nước; tăng cường hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Kiểm sát; tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền hai bên hoàn thiện thủ tục trong nước để Hiệp định sớm có hiệu lực.

Cũng tại buổi hội đàm, Viện trưởng VKSND tối cao Lào Khăm-sản Suvong đã thông tin cho đoàn về quá trình hình thành và phát triển của Ngành kiểm sát Lào trong 30 năm qua; cảm ơn Viện trưởng VKSND tối cao Việt Nam đầu đoàn sang dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngành KSND Lào, điều này khẳng định tình đồng chí, anh em giữa VKSND hai nước Việt Nam và Lào ngày càng phát triển.

Đồng thời cũng cho biết để ghi nhận, cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của VKSND tối cao Việt Nam đối với VKSND tối cao Lào trong thời gian qua; biểu dương kết quả hợp tác giữa VKSND tối cao hai nước Việt Nam và Lào trong 30 năm qua, trên cơ sở đề nghị của VKSND tối cao Lào, Đảng và Nhà nước Lào sẽ trao tặng Huân chương Độc lập cho VKSND tối cao hai nước Việt Nam và Lào; và Huân chương các loại cho cá nhân một số đồng chí lãnh đạo VKSND hai nước vì những thành tích đã đóng góp cho sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa VKSND hai nước nói riêng và giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung. Lễ trao Huân chương sẽ được tổ chức vào sáng ngày 9/1/2020.

Vũ Thị Hải Yến, Vụ 13 - VKSND tối cao