Chỉ tiến hành hòa giải các trường hợp có tranh chấp

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

leftcenterrightdel
 Phiên làm việc của Quốc hội sáng 25/5.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh để hòa giải thêm một số việc như: Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản, yêu cầu phân chia tài sản chung, yêu cầu công nhận thỏa thuận về nuôi con…

UBTVQH nhận thấy, theo quy định tại Điều 361 của BLTTDS thì các yêu cầu nêu trên được coi là việc dân sự và không có tranh chấp; trong khi đó mục đích ban hành và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm quy định cơ chế hòa giải để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp dân sự. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Kiến nghị 3 đối tượng phải đóng phí hòa giải

UBTVQH cho biết, nhiều ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự với những lý do như Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC).

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp. Có ý kiến đề nghị quy định đối tượng chịu chi phí là các vụ việc dân sự có giá ngạch từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên; các vụ án hành chính mà pháp  nhân, cá nhân có yêu cầu về trách nhiệm dân sự. Ý kiến khác đề nghị quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu chi phí hòa giải, đối thoại trong mọi trường hợp.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước Quốc hội.

UBTVQH nhận thấy, hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nhà nước chỉ thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 3 trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch.

Trường hợp thứ 2: Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại trong trường hợp các bên thống nhất hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở.

Trường hợp thứ 3: Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Vì đây là những hoạt động phát sinh lợi nhuận hoặc thường là các khoản chi lớn, các bên có trách nhiệm chia sẻ một phần để giảm chi cho ngân sách nhà nước. Mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp do Chính phủ quy định chi tiết.

 

Vũ Cảnh