Chúng tôi xin được tóm lược và diễn giải nội dung chính: "bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao” trong dự thảo luật như sau:

- Cơ quan giám định kỹ thuật hình sự chỉ là 1 Phòng duy nhất thuộc VKSND tối cao; không triển khai cơ quan giám định kỹ thuật hình sự xuống các cấp dưới của ngành KSND.

- “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự chỉ với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12).

- Từ ngày 1/1/2020 đã thực hiện việc ghi âm, ghi hình (dữ liệu điện tử) trong quá trình hỏi cung bị can. Chức năng của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có chức năng kiểm sát quá trình điều tra, hỏi cung bị can.

- Mục đích nhằm có thêm kết quả giám định để so sánh, đối chiếu trong trường hợp có nghi vấn về kết quả giám định trước đó của cơ quan giám định khác; hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp làm sai lệch kết quả giám định… từ đó góp phần minh bạch, chống oan sai trong hoạt động điều tra, xét xử.

Về vấn đề này, ĐBQH có hai loại ý kiến: tán thành và không tán thành. Báo Bảo vệ pháp luật xin đưa quan điểm tranh luận giữa các đại biểu ở cả 2 loại ý kiến nêu trên để bạn đọc có cơ sở nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nhất.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên làm việc chiều ngày 21/5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Đa số đại biểu phát biểu tán thành

Trong phát biểu kết luận phần tranh luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: “Về quy định Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập, quy định tại Điều 12 của dự thảo luật. Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tán thành dự thảo luật bổ sung Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao lập tổ chức giám định tư pháp công lập về âm thanh và hình ảnh. Đây là vấn đề đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát tối cao và cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động tố tụng và quy định của pháp luật tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay”.

Giám sát việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can

Đại biểu Trần Hồng Hà - Vĩnh Phúc chia sẻ quan điểm: “Tôi tán thành với quy định này vì hiện nay tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự mới có ở Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, trong đó việc giám định âm thanh, hình ảnh chỉ có ở đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an... 

Trước yêu cầu giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh ngày càng tăng, nhất là từ ngày mùng 1/1/2020 phải thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi tiến hành hỏi cung bị can dẫn đến nhu cầu giám định tăng mạnh khi bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng có yêu cầu giám định tính chính xác của dữ liệu ghi âm hoặc địa hình có âm thanh. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Hồng Hà.

Mặt khác, do chỉ có một tổ chức giám định âm thanh, hình ảnh nên nếu có trường hợp kết luận giám định có dấu hiệu không khách quan hoặc có khiếu nại kết luận giám định thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể trưng cầu giám định lại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.

8 tháng 10 ngày mới giám định xong 1 vụ

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk): “Tôi thấy từ khi Luật Giám định tư pháp năm 2012 có hiệu lực đến nay thì Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ trưng cầu giám định kỹ thuật số điện tử và chúng tôi thấy đã đáp ứng được yêu cầu về giám định và đặc biệt là sự kịp thời, nhanh chóng trong vấn đề giám định”.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng. 

Tranh luận lại với quan điểm này của đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) lấy dẫn chứng: “Tôi xin được cung cấp như sau: Theo báo cáo của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân tối cao trong 2 năm 2018 - 2019, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trưng cầu 59 vụ việc tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và thời gian giám định thì trung bình như báo cáo của thẩm tra của Ủy ban Tư pháp là từ 2 đến 3 tháng, cá biệt có một số trường hợp việc giám định kéo dài như vụ nhận hối lộ tại huyện Ba Vì thời gian giám định là 4 tháng 17 ngày và mới đây nhất là vụ giải quyết tố giác tại Chi cục thi hành án quận Đống Đa thời gian giám định là 8 tháng 10 ngày, tức là ngày trưng cầu là ngày 9/9/2019 và đến ngày 19/5/2020 là ngày họp phiên trù bị của Quốc hội thì mới có kết luận giám định”.

Góp phần chống oan sai trong hoạt động điều tra, xét xử

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đặt câu hỏi: “Viện Kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp lại vừa trực tiếp thực hiện giám định, liệu có đảm bảo sự khách quan, công minh trong giám định hay không?”.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Mai Bộ.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phân tích: “Tôi đặt giả sử trong giám định âm thanh, kỹ thuật, hình ảnh bây giờ chúng ta định giao cho Viện kiểm sát tối cao mà đã được chính cơ quan giám định của Bộ Công an giám định, bây giờ người ta phát hiện ra khả năng có vấn đề, nếu như bây giờ giao lại cho giám định của công an thì họ sẽ kết luận thế nào?

Thực tiễn các đồng chí làm ở tòa án, kiểm sát, cơ quan điều tra thấy trong lịch sử tư pháp Việt Nam chúng ta có vụ Tùng Dương ở cầu Chương Dương, biết bao nhiêu lần giám định kết luận của bên giám định công an không ra được, đến khi phải giao cho giám định quân đội lúc đó mới ra vụ án. Tôi cho rằng để chúng ta thực hiện hiện yêu cầu cao nhất của tố tụng và có căn cứ, bây giờ không nói quá tải hay không quá tải mà chúng ta phải xuất phát từ bản chất vấn đề.”.

Đại biểu Quang Dũng phân tích thêm: “… Việc xác định nội dung giám định có khách quan hay không thì có trường hợp vụ án một nữ cán bộ công an đã bỏ ma túy vào cốp xe người khác để vu khống. Khi trưng cầu giám định thì Viện Khoa học hình sự trả lời là không đủ cơ sở kết luận nhưng sau đó trưng cầu giám định ở một cơ quan khác thì đủ căn cứ để kết luận giám định và hiện nay vụ án đã được xử lý.

Do đó, chúng tôi thấy rằng số liệu và tính khách quan thì rất cần thiết, phải có một cơ quan giám định bổ sung, hỗ trợ cho cơ quan giám định thuộc Bộ Công an cũng như là Bộ Quốc phòng để đảm bảo có sự lựa chọn khi cần thiết để cho việc giám định nhanh gọn và khách quan”.

Không "phình" to bộ máy

“Chắc chắn, khi thành lập phòng Giám định tư pháp này, sẽ phát sinh biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo đội nghũ giám định viên. Tôi cũng băn khoăn về dự thảo Luật quy định Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc viện KSND tối cao, thì sau này, liệu tổ chức này có phình ra ở cấp phòng giám định tư pháp thuộc cấp huyện, cấp tỉnh hay không. Vì nếu như vậy thì tổ chức sẽ phình ra” – đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu quan điểm.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu: “… Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có báo cáo đánh giá tác động bổ sung và chúng tôi gửi kèm theo hồ sơ trình Quốc hội hôm nay. Ở đây có vấn đề liên quan đến nguyên lý, tức là thực hiện các chức năng điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao như đại biểu Trương Trọng Nghĩa và một số đại biểu phát biểu.

Thứ hai nữa cũng là cần thiết để đẩy nhanh quá trình giám định và để làm cho quá trình tố tụng đúng tiến độ, các số liệu cụ thể thì Viện kiểm sát đã nêu. Đây cũng thêm một kênh để xử lý các trường hợp mà các tổ chức tiến hành giám định bây giờ có vấn đề chưa thống nhất với nhau và chỉ thành lập tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đồng thời cũng chỉ gom phạm vi là thực hiện giám định âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.

Theo thông tin của Viện kiểm sát thì không phình bộ máy hoặc có nhỉnh lên thì chỉ một chút, tức là chỉ là một phòng ở tại Viện kiểm sát. Đồng thời chi phí mua thiết bị theo Viện kiểm sát là chỉ mất 9 tỉ 480 triệu và khả năng không phải chi tiền của nhà nước, đã có một dự án có thể cấp cho trang thiết bị này”.

Không xung đột với chức năng, nhiệm vụ của Luật Tổ chức VKSND

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắ Lắk) khẳng định trong Luật Tổ chức VKSND cũng không quy định về chức năng, nhiệm vụ giám định tư pháp. “Thế thì câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta quy định về chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giám định tư pháp thì có xung đột với quy định của Luật Tổ chức VKSND hay không?” – đại biểu Nguyễn Thị Xuân đặt câu hỏi. 

leftcenterrightdel
 Phiên làm việc của Quốc hội ngày 21/5.

Về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) tranh luận như sau: “Theo tôi, chúng ta phải trở lại vấn đề nguyên lý, trở lại Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, trở lại Bộ luật Tố tụng hình sự để xem vì sao cơ quan điều tra lại có Viện kiểm sát, chức năng của Viện kiểm sát là kiểm sát tư pháp và công tố. Đọc lại Điều 2 và Điều 3 thấy hai chức năng này đề ra những nhiệm vụ gì.

Ngoài ra, chúng ta phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Chúng ta đọc lại Điều 163 về thẩm quyền điều tra. Điều 163 khoản 3 nói "Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao... điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng chức vụ…" thế tại sao không để việc này cho cơ quan điều tra Bộ Công an, tại sao lại giao cho Viện kiểm sát, nó có lý do của nó. Quốc hội cũng tranh luận vấn đề này từ đường lối của Đảng, Quốc hội tranh luận đi đến Điều 163 khoản 3 thì Viện kiểm sát mới có chức năng này.

Các đồng chí đọc lại Điều 165 khoản 7, một số đồng chí đã trích dẫn rồi, trực tiếp điều tra một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xem xét phê chuẩn Lệnh quyết định điều tra của cơ quan điều tra và tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan sai... Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.

Ngoài ra, ở khoản 8 Viện kiểm sát cũng được giao nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự… Từ những chức năng này cho thấy một nhu cầu là Viện kiểm sát cần thiết phải có Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Viện kiểm sát. Ở đây tôi thấy Phòng Giám định kỹ thuật hình sự của Viện kiểm sát nằm ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao là hợp lý.

Đại biểu đề xuất

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề xuất thêm: "Theo tôi, phòng giám định này không phải tăng chức năng gì của Viện kiểm sát, nó là công cụ của Viện kiểm sát để thực hiện những chức năng và nhiệm vụ luật định như tôi vừa nêu. Theo tôi không phải chỉ có giám định âm thanh, hình ảnh mà Phòng Giám định kỹ thuật hình sự này ở khoản 5 đề nghị các đồng chí ghi rõ là Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân tối cao để thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo Điều 2, Điều 3 của Luật Tổ chức Viện kiểm; theo Điều 163 khoản 3 và theo Điều 165 khoản 7. Phần này nhằm thực hiện những việc đó. Theo tôi điều đó là hợp lý”.

Vũ Cảnh