Dự và phát biểu tại Hội thảo có Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân, đại diện lãnh đạo: Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông. Lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương. 

Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thường niên mang tên “Diễn đàn báo chí tháng Sáu” do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng chủ trì tổ chức. 

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, 9 tháng năm 2023, doanh thu của các báo, tạp chí  giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh truyền hình giảm 23% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền); có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số. 

Thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống. 

Ngoài ra, các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí. Hiện nay, chi thường xuyên cho báo chí hằng năm là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. 

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 6/4/2023, mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó, 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế -  Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Tại các phiên họp, thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau làm rõ những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam; những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam. Phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới…

Nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, những năm gần đây, kinh tế truyền thông số phát triển với tốc độ nhanh và các cơ quan báo chí cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, hòa theo sự phát triển của kinh tế báo chí số để tồn tại, tìm cách chuyên nghiệp hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội trình bày tham luận "Nền kinh tế báo chí-truyền thông Việt Nam: Bức tranh Toàn cảnh và những nút thắt".

Theo PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó, có bước phát triển nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn.

“Vấn đề kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận về nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ. Tuy nhiên, bài toán khó dường như vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng. Những kết quả đạt được mới chỉ tiến đến một vài khía cạnh của cơ chế chính sách, những đề xuất dường như mới tóm lược một số mô hình tham khảo bên ngoài. Chúng ta vẫn chưa thực sự thẳng thắn đề cập đến bản chất, thậm chí còn đang né tránh những nút thắt cơ bản kìm hãm sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông. Nút thắt đó mang tính nguyên lý, như một “vòng kim cô” cần được “niệm chú” nới bỏ”, ông Trung cho hay.

leftcenterrightdel
 Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trả lời phỏng vấn tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, muốn chiếm lĩnh thị trường thông tin, cơ quan báo chí cần xác định, phân loại công chúng, và hướng đến tổ chức sản xuất tin tức, sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng mục tiêu; trước mắt, từng bước biến công chúng thực tế thành khách hàng; tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trong đó tập trung vào quản trị nội bộ bảo đảm đoàn kết và phát huy tối đa năng lực sáng tạo của tập thể, định vị thiết lập và mở mang các mối quan hệ; chú trọng vào chuyên nghiệp hóa đội ngũ theo hướng vừa đa kỹ năng tác nghiệp, vừa chuyên sâu vào tuyến vấn đề, phương thức sản xuất sản phẩm…

"Diễn đàn báo chí tháng Sáu” lần thứ ba (năm 2024) là Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận: Phiên toàn thể: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam; Phiên thảo luận chuyên đề: Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số; Phiên thảo luận chuyên đề: Bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam,  những gợi mở và kết nối ý tưởng. 

Thế Đức