TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao Việt Nam; ông Seto Takeshi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật Bản đồng chủ trì Hội thảo.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội thảo.

Cùng tham dự Hội thảo về phía VKSND tối cao Việt Nam có đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), VKSND tối cao; Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát Nguyễn Đức Hạnh; các đồng chí lãnh đạo và các chuyên gia đại diện cho một số đơn vị của VKSND tối cao và VKSND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về phía Nhật Bản dự Hội thảo có ông Kono Ryuzo, Cố vấn trưởng Dự án Jica; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; các chuyên gia của UNAFEI cùng các chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao cho biết, chương trình trao đổi chuyên gia giữa VKSND tối cao Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản được triển khai thực hiện hàng năm, bắt đầu từ năm 2000. Từ năm 2014, các chương trình nghiên cứu tại Nhật Bản của Viện kiểm sát Việt Nam do Viện Nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực châu Á - Viễn Đông của Liên Hợp quốc (UNAFEI) phối hợp với Bộ Tư pháp Nhật Bản thực hiện.

Trong thời gian qua, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hợp tác; trong đó đã tập trung vào lĩnh vực trao đổi đoàn các cấp, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về cải cách tư pháp, triển khai thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu tội phạm học; xây dựng pháp luật và hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi nhấn mạnh, qua tìm hiểu, nghiên cứu và quá trình hợp tác thời gian vừa qua, VKSND tối cao thấy Nhật Bản là một quốc gia phát triển, bộ máy Nhà nước được tổ chức và hoạt động hiệu quả trong việc điều tra, truy tố tội phạm.

Đồng thời, Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có mối quan hệ hữu nghị, thân thiết, có bề dày lịch sử trong quan hệ hợp tác cùng phát triển. Giữa VKSND Việt Nam và Bộ Tư pháp Nhật Bản đã có sự gắn bó lâu dài và hợp tác, trao đổi kinh nghiệm cùng với nhiều thông tin hữu ích khác.

Vì vậy, VKSND tối cao mong muốn được các Công tố viên, giảng viên Nhật Bản thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quý báu về đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan Công tố Nhật Bản trong thực hiện cải cách tư pháp hình sự để VKSND Việt Nam nghiên cứu tham khảo trong cải cách tư pháp nói chung và cải cách VKSND Việt Nam nói riêng trong thời gian tới; trước mắt phục vụ cho việc nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu và Đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật Bản; Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á Viễn Đông của Liên Hợp quốc (UNAFEI) giới thiệu và trao đổi kinh nghiệm về cải cách hệ thống tư pháp hình sự tại Nhật Bản; tổng quan về chế độ công tố của Nhật Bản - Từ góc độ ngăn chặn sự can thiệp quá mức đối với Công tố viên, bao gồm hành vi tham nhũng.

Về phía các đại biểu của VKSND Việt Nam cũng trình bày tham luận về quan điểm của Đảng và các quy định của pháp luật Việt Nam về tăng cường bảo vệ Thẩm phán, Kiểm sát viên và công chức thực thi pháp luật trong hoạt động tư pháp; khái quát về cơ chế bảo vệ Viện kiểm sát, Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu cũng đã thảo luận, góp ý vào dự thảo báo cáo nghiên cứu về thực tiễn thi hành các quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

P.V