"Tổng thống Vladimir Putin đã trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga tới Hạ viện", Điện Kremlin ngày 20/1 ra thông cáo, TASS đưa tin. Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin cho biết Ủy ban lập pháp của Duma Quốc gia sẽ thảo luận về gói dự luật ngay trong ngày 21/1 và Hạ viện sẽ quyết định thời điểm tranh luận về các sửa đổi.

leftcenterrightdel
Putin đặt tay lên hiến pháp Nga trong lễ nhậm chức năm 2018. Ảnh: TASS 

Nội dung dự thảo cũng được công bố trên trang web của Hạ viện Nga. Các nội dung chính của văn kiện này tập trung vào việc thu hồi bớt quyền lực của nguyên thủ quốc gia, trao thêm chức năng cho Chính phủ Nga và cơ quan liên bang như Hội đồng An ninh.

Đây được coi là bước đầu tiên trong quá trình sửa đổi hiến pháp Nga. Dự thảo sẽ trải qua nhiều vòng thảo luận tại Hạ viện và Thượng viện trước khi được thông qua.

Động thái của Putin được tiến hành vỏn vẹn 5 ngày sau khi ông đọc thông điệp liên bang, trong đó đề nghị sửa đổi Hiến pháp Nga theo hướng trao quyền cho Hạ viện Nga quyền chọn thủ tướng và các vị trí nội các cấp cao. Quyền lực này đang thuộc về Tổng thống.

Putin cũng muốn tránh tình trạng lãnh đạo nắm quyền trọn đời, cho rằng cơ chế này không thể giải quyết vấn đề chuyển giao quyền lực và bảo đảm ổn định quốc gia. Hiến pháp mới theo đó cũng sẽ tăng quyền cho Hội đồng An ninh, nơi Putin đang là Chủ tịch.

Nga hiện áp dụng giới hạn một tổng thống không được cầm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, tức có thể tranh cử trở lại sau một nhiệm kỳ không làm tổng thống. Putin muốn thay đổi quy định này thành tổng thống chỉ được đảm nhiệm hai nhiệm kỳ. 

Nhiều chuyên gia nhìn nhận hành động của Putin là nhằm chuẩn bị cho tương lai chính trị của chính ông sau khi rời Điện Kremlin vào năm 2024. Putin khi đó có thể tiếp tục vai trò ở Hội đồng An ninh, đóng vai trò "chính khách thâm niên" để tham vấn cho Tổng thống tương lai.

Thái An