Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trong đó có nhiều vụ án gây ra hậu quả rất nghiêm nghiêm trọng, làm không ít gia đình đau xót, gây hoang mang, bất bình trong dư luận xã hội, như vụ đối tượng Cấn Ngọc P ở Hà Nội đã có hành vi gây thương tích đối với vợ của mình là chị Nguyễn Thị T hay vụ Nguyễn Văn T ở Yên Bái…
|
|
Bạo lực đối với phụ nữ có xu hướng gia tăng (Ảnh: Yên Chi) |
Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội. Đó là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại với các thành viên khác trong gia đình. Trong đó, bạo lực gia đình đối với phụ nữ là phổ biến hơn cả.
Muốn phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực gia đình, trước hết phải biết nguyên nhân của nó? Nguyên nhân bạo lực gia đình đối với phụ nữ thì có nhiều, do khó khăn về kinh tế, vì cờ bạc, rượu chè, vì ghen tuông…Nhưng theo tác giả, một trong những nguyên nhân căn bản là do còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”.
Dưới chế độ phong kiến, vì tư tưởng ấy, mà người phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra và yêu cầu phải giải phóng cho phụ nữ: “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội, phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Trong gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích "tam tòng". Vì vậy, cần phải giải phóng phụ nữ thoát khỏi những xiềng xích trói buộc đó”[1].
Ngày nay, Hiến pháp và pháp luật ghi nhận quyền bình đẳng nam nữ, nhưng nhìn từ thực tế, thì người phụ nữ vẫn còn là nạn nhân của bạo lực gia đình. Vì sao? Là vì tư tưởng xem khinh phụ nữ - một nguyên nhân cơ bản của bạo lực gia đình, là tàn tích của xã hội cũ vẫn còn. Chính vì vậy, mặc dù pháp luật đã quy định rõ, nhưng trong nhiều gia đình, hiện phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng hoàn toàn với nam giới, họ vẫn là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Các hình thức của bạo lực gia đình đối với phụ nữ có thể là:
- Bạo lực thể chất đối với phụ nữ, là việc dùng sức mạnh thể chất tác động đến thân thể người phụ nữ như: đấm, đá, trói, đâm… gây đau đớn, thương tích cho họ.
- Bạo lực tinh thần đối với phụ nữ, là sự xúc phạm đến nhân phẩm của người phụ nữ, làm cho họ sợ hãi, đau đớn về mặt tinh thần, như: la lối, chửi rũa, mĩa mai, cô lập người phụ nữ.
- Bạo lực về kinh tế đối với phụ nữ, là hành vi xâm phạm đến các quyền lợi về kinh tế đối với phụ nữ, như: quyền sỡ hữu tài sản, quyền lao động…
- Bạo lực tình dục đối với phụ nữ, là hành vi cưỡng bức người phụ nữ quan hệ tình dục trái với ý muốn của họ.
Những hành vi ấy, chẳng những gây nên hậu quả nặng nề với người phụ nữ, với cả người bạo lực, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình và xã hội. Người bạo lực thì bị pháp luật trừng trị, xã hội lên án. người bị bạo lực thì đau đớn về thể xác và tinh thần. cuộc sống gia đình không còn niềm vui, sức sống như gốc rễ cây bị thiếu nước, dẫn đến nở hoa héo úa, kết quả ly tan. con cái họ bị khủng hoảng tinh thần, thiếu vắng người nuôi dưỡng, giáo dục, xa vào tệ nạn xã hội. Xã hội bị gánh nặng, vì phải cung cấp dịch vụ y tế, đảm bảo an ninh trật tự...
|
|
Bạo lực trong gia đình, trẻ em sẽ là người chịu thiệt thòi nhất (Ảnh: Internet) |
Muốn ngăn ngừa nạn bạo lực gia đình, cần sử dụng đồng thời các biện pháp sau:
Thứ nhất, phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh bạo lực đối với phụ nữ, và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Trước những hành vi trái Hiến pháp, phạm pháp luật ấy, chúng ta phải làm gì? lên án những hành vi đó, xử lý những người bạo hành, chúng ta đã làm vì Hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ. Thế nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao ngăn chặn không cho những việc làm như thế xảy ra.
Để làm được như thế, các cơ quan chức năng cần phải chú trọng phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm về bạo lực gia đình, để áp dụng và kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Thứ hai, biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Biện pháp này, chúng ta đã làm từ lâu. Song kết quả còn hạn chế. Bây giờ, chúng ta cần tuyên truyền pháp luật pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình sâu rộng hơn nữa, thường xuyên hơn nữa. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều cách: các cơ quan, đoàn thể thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu nhằm trang bị cho phụ nữ, cho người dân các kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình, để họ chủ động ngăn chặn, ứng phó hiệu quả trong bất kỳ tình huống nào; Tòa án nhân dân phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, cần phải tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động ở tại các địa phương, để giúp người dân nhận rõ được nguyên nhân, hậu quả của bạo lực gia đình…Từ đó, giáo dục mọi người ý thức tuân thủ pháp luật.
Pháp luật nước ta đã quy định, với hành vi bạo lực gia đình, thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi đó có thể bị xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, để răn đe, phòng ngừa chung.
|
|
Cần lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm hành vi bạo lực đối với phụ nữ (Ảnh: Yên Chi) |
Thứ ba, huy động tối đa sự tham gia của người dân vào công việc này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: lực lượng toàn dân là vĩ đại nhất, không ai chiến thắng được lực lượng đó. ngày trước, nhờ đoàn kết toàn dân mà kháng chiến tranh được thắng lợi. Ngày nay, nếu huy động được sự tham gia của toàn dân, thì bạo lực gia đình cũng sẽ hết đất sống. Mà muốn vậy, thì cần phải làm cho nhân dân hiểu thấu tác hại, sự cần thiết của việc phòng chống bạo lực gia đình, để nhân dân giúp sức vào công việc này.
Bạo lực gia đình đối với phụ nữ, là đi ngược lại với đạo đức xã hội ta. cho nên, cần phải tạo ra một không khí nhân dân, xã hội căm phẩn, lên án mạnh mẽ về mặt đạo đức; và mỗi người dân tham gia tích cực vào việc ngăn ngữa, phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những hành vi đó ở bất cứ nơi đâu, thời điểm nào mà người ta gặp nó.
Một điều nữa là, người phụ nữ cần phải biết “tự cứu lấy mình”. Muốn thế, cần phải làm thay đổi nhận thức của người phụ nữ, làm cho họ biết lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, biết nam nữ bình quyền, không ai có quyền bạo hành họ; làm cho họ không chỉ biết “cam chịu” khi bị bạo hành.
Muốn thay đổi nhận thức của người phụ nữ, cần phải trang bị kiến thức cho họ, lấy gương người xưa mà nhắc nhở họ rằng người phụ nữ cũng anh dũng, hy sinh, tài giỏi chẳng kém nam giới. Ngày xưa, Bà Trưng Bà Triệu đã đứng lên khôi phục giang sơn, bờ cõi. Trong kháng chiến chống pháp và Mỹ, người phụ nữ hy sinh không ít. ngày nay, họ cũng đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, phụ nữ cũng cần được trang bị những kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Chẳng hạn:
- Người phụ nữ cần biết các địa chỉ tạm lánh, nơi có thể giúp đỡ, ghi nhớ các số điện thoại để gọi lúc khẩn cấp.
- Khi cảm thấy bị đe dọa, cần nhờ háng xóm theo dõi, để có thể kịp thời gọi giúp Công an khi bạo hành xảy ra;
- Nếu thường xuyên bị bạo hành, phụ nữ cần dự kiến, chuẩn bị trước các lối thoát khỏi nhà, như cửa sổ, cửa sau nhà;
- Học một số tình huống tự vệ;
- Trường hợp hành vi bạo lực có tính chất nghiêm trọng, phụ nữ có thể tố giác hành vi đến Cơ quan Công an hoặc Viện kiểm sát gần nhất để xác minh, điều tra, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Chúng ta đã biết: Bạo lực đối với phụ nữ vừa trái với Hiến pháp và pháp luật, vừa trái với đạo đức xã hội. Vì vậy, chúng ta cần lên án mạnh mẽ, xử lý thật nghiêm, và có biện pháp huy động hết thảy người dân tham gia phát hiện, đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình nói chung, bạo lực đối với phụ nữ nói riêng.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.10, tr. 225