Mối lo giữa rừng và thủy điện vừa và nhỏ
Ngày 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội… Một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề phát triển rừng, giữ rừng gắn liền với biến đổi khí hậu, thiên tai như đợt lũ lịch sử vừa qua ở miền Trung. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có phần giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ lo lắng, việc xây dựng quá nhiều các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã làm phá dỡ một tỷ lệ diện tích rừng đáng kể, làm đất đá dễ xói mòn, nguy cơ lũ quét, lũ ống ngày càng gia tăng ở các vùng núi trung du.
|
|
Phiên họp của Quốc hội chiều ngày 3/11. |
“Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã rà soát và đưa ra ngoài danh mục đầu tư rất nhiều dự án đầu tư thủy điện vừa và nhỏ, nhưng bên cạnh hiệu quả hoạt động của một số công trình thủy điện trong thời gian qua thì một số công trình còn bộc lộ nhiều bất cập, các tác động xấu từ dự án thủy điện đã và đang được đầu tư này thể hiện công tác thẩm định dự án, công tác đánh giá tác động môi trường của dự án chưa thật sự tốt, bà mẹ thiên nhiên đã trở nên giận dữ hơn bao giờ hết” - Đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Từ thực tiễn của Quảng Nam cũng như dải đất miền Trung vừa qua, sau khi xảy ra các sự cố thiên tai ảnh hưởng rất lớn do biến đổi khí hậu, Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam kiến nghị cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân.
“Đặc biệt, tôi rất quan tâm đến các dự án hồ thủy điện, thủy lợi… chúng ta luôn luôn có việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đặc biệt vào rừng phòng hộ sang mục đích khác. Tôi đề xuất, hết sức quan tâm xem lại việc trồng rừng thay thế, đảm bảo các nguyên tắc sau: Một là, vị trí trồng; Hai là, đảm bảo nguyên tắc phòng hộ; Ba là, loại cây trồng để đảm bảo nguyên tắc phòng hộ, thay vì chúng ta trồng từng cây bản địa, những cây gỗ lớn, những cây tự nhiên thay bằng cây keo, cây khác thì phòng hộ không tốt” - đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.
|
|
Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại phiên thảo luận. |
“Cần lưu ý đến vấn đề khi trồng rừng thay thế, không khéo chúng ta thu hồi diện tích ở rừng này, khu vực này đang có chức năng phòng hộ nhưng trồng lại thì đảm bảo diện tích nhưng ở vị trí khác nó không còn là phòng hộ nữa. Cần hết sức lưu tâm vấn đề này” - đại biểu Phan Thái Bình kiến nghị.
Cùng quan điểm, Đại biểu Triệu Thị Thu Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đặt nhiều vấn đề, trong đó có việc giữ rừng tự nhiên ở một số khu vực chưa hiệu quả. Đại biểu Phương dẫn chứng, theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm 2012-2017 diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11% và 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế.
“Do đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét có chương trình chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu lâm nghiệp đối với khu vực các tỉnh miền núi. Coi phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, giải pháp kinh tế thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” - Đại biểu Triệu Thị Thu Phương kiến nghị.
Có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD tiền lâm sản?
Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, tổng diện tích rừng của chúng ta là 14,6 triệu hecta, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu hecta, rừng trồng là 4,3 triệu hecta.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây là một sự cố gắng vượt bậc, cả hệ thống chính trị và toàn dân, bởi vì năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu hecta rừng. Lúc đó hệ số che phủ chỉ 27% mà trong vòng 30 năm một đất nước GDP còn thấp như vậy, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng là trọng yếu để bảo vệ môi trường. Do đó, đến hôm nay Việt Nam đã có tới 14,6 triệu hecta rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân 29%.
|
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |
“Chính vì thế, về nguyên liệu trong 4,3 triệu ha rừng, chúng ta đã sản xuất nguyên liệu 30 triệu m3 để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến, năm nay chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD tiền lâm sản. Đây là một cố gắng ở vùng nguyên liệu” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích.
“Còn rừng tự nhiên thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn có chính sách để bà con giữ hơn 1 triệu hecta rừng có chế độ ngày càng tăng lên. Trước đây, chúng ta 50.000/ha khoán khoanh nuôi bảo vệ. Bây giờ nâng lên 250.000, nhưng Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu nữa thì mới đảm bảo từng bước cho chất lượng, khu vực 10,3 triệu hecta khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên chúng ta phát triển, cùng với đó là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mỗi năm chúng ta cũng xã hội hóa thu được 3.000 tỷ” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngày 20/10/2020 Việt Nam chính thức ký với đối tác về carbon của thế giới, chúng ta bán được 10 triệu m3 CO2, 1m3 là 5 USD (đô la Mỹ). Thế giới thừa nhận, Việt Nam tham gia sự phát triển bền vững và nếu được chỗ này chúng ta được hơn 1.000 tỷ nữa của 6 tỉnh miền Trung. Đây cũng là cam kết của Việt Nam, chứng tỏ rằng Việt Nam quyết tâm đi theo con đường phát triển bền vững.
“Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề ở đây là trong 30 năm phát triển rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì thời gian quá ngắn. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học hủy hoại 2 triệu hecta rừng của miền Trung thì bây giờ phục hồi phải từng bước, kể cả rừng tự nhiên cũng phải từng bước thì mới đạt hệ số che phủ theo kiến tạo như ngày xưa của tự nhiên” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.