leftcenterrightdel
 Hình ảnh nước lũ đổ về do một công nhân quay bằng điện thoại. (Clip do Báo BVPL biên tập lại)

Chuyến xe chiều từ Phước Sơn (Quảng Nam), đưa nhóm công nhân làm tại công trình thủy điện Đắk Mi 2 về lại TP Tam Kỳ. Trên xe, những công nhân vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi lũ về, núi lở, vẫn chưa hết bàng hoàng.

“Hôm đấy, nhóm chúng tôi thuộc công ty Ha đô có 12 người đi vào làm. Người của các công ty khác cũng đông, chừng 200 người. Khoảng 12h trưa, đang nghỉ trong lán thì thấy nước đổ về, ập vào thì núi đã sập, anh em kêu nhau dậy chạy ngược lên đồi”- Công nhân Võ Xuân V kể.

leftcenterrightdel
 Các công nhân may mắn thoát nạn

“Trời đổ mưa càng ngày càng to, lũ dâng càng ngày càng lớn, nhà bọn anh ở ngay mép khe, thấy nước lũ cuồn cuộn đổ về. Lúc đó vẫn chỉ nghĩ lũ về vậy thôi, không thể cuốn trôi nhà cửa được, anh em nên vẫn dùng điện thoại quay hình ảnh lũ, còn trêu đùa với nhau. Ai ngờ đồi sau nhà rung lên, nhà kêu răng rắc, vội vàng hô nhau chạy ra khỏi nhà, chạy ngược lên đồi, thoát chết trong tích tắc” – Công nhân Nguyễn Tuấn H tiếp lời.

Thời khắc đó diễn ra cực nhanh, lũ đổ về cực lớn. Từ thời điểm đó đến 15h chiều cùng ngày, nước lũ cuồn cuộn đổ về, dâng cao, cuốn trôi hết nhà lán, máy móc tại đây.

leftcenterrightdel
 Lũ đổ về ngay sát mép nhà lán công nhân ở.

“Thấy đồi rung lên, anh em hô nhau chạy, có người cầm được đồ, có người không. Vừa chạy ra khỏi nhà thì lũ về tùa một cái, cả nhà cả máy móc trôi mất dạng xuống lòng sông” – công nhân Võ Xuân V kể.

Lúc đó, nhóm công nhân 12 người tại đây hô nhau chạy bán sống bán chết ngược lên đồi, vừa chạy vừa tránh đất đá sạt lở xuống. Đêm đó là một đêm kinh hoàng của nhóm công nhân, khi lần mò trong đêm tìm điểm cao thoát thân.

leftcenterrightdel
 Nhóm công nhân thoát nạn lúc tìm được đường về nơi an toàn.

“Bọn tôi nắm tay nhau tìm đường chạy thoát trong đêm. Cứ chỗ nào cao thì ngược lên, tránh lũ cuốn. Đến sáng mai thì đi theo đường rừng, vượt hơn 20km mới ra được khỏi chỗ nguy hiểm, rồi đi bằng cáp treo bờ bên kia mới an toàn” – Công nhân Nguyễn Tuấn H kể.

12 công nhân này đã có 2 ngày ăn mì tôm sống, lội bùn ngập quá đầu gối tìm đường ra. Đến điểm cáp treo tự chế, người bên này bờ kéo người bên kia sang an toàn.

leftcenterrightdel
 Nhóm công nhân này đã có hàng chục giờ băng rừng tìm đường sống.

“Rất may, chúng tôi ở lại nhà lán và chạy thoát, xuống nhà máy trú thân thì còn nguy hiểm nữa” – Một công nhân nói.

Theo công nhân này, trước khi bão vào phía lãnh đạo thủy điện Đắk Mi 2 có đề nghị công nhân xuống nhà máy. Nhưng xuống nhà máy lại nguy hiểm hơn, vì nhà máy nằm ngay ngã 3 lòng sông, lượng nước đổ về khủng khiếp.

“May anh em không xuống nhà máy, trú ở trên đồi nó còn đỡ, chứ xuống nhà máy thì đã chết rồi. Lúc lũ về nó cuốn phăng hết. Nhà máy bằng bê tông cốt thép nó không cuốn được, nhưng người thì không thể trụ được. Ngay cả chiếc cầu 3 nhịp cũng bị cuốn trôi 2 nhịp. Linh kiện máy móc nặng hàng tấn của Lilama nó cũng cuốn xuống sông, thì người là cái gì” – công nhân Võ Xuân V thất thần kể lại.

leftcenterrightdel
 Hiện trường sau khi lũ cuốn ở thủy điện Đắk Mi 2.

“Rất may, lúc đó là ban ngày. Chứ mà ban đêm, thì chúng tôi đã chết hết rồi. Lũ về nhất là lúc 3-4h chiều. Kinh hoàng lắm, khủng khiếp lắm, không thể kể được. Giờ trên đó chỉ còn đất đá ngồn ngang thôi” – Một công nhân bàng hoàng tiếp lời.

Được biết, nhóm công nhân này đều là công nhân thời vụ của công ty Hado, người làm lâu là 2 tháng, có người mới làm được 15 – 20 ngày, đều quê ở Nghệ An.

Khi được hỏi sau này có quay lại thủy điện Đắk Mi 2 làm nữa không, thì hầu hết đều lắc đầu: “Thoát ra được khỏi đó là thoát chết rồi. Giờ chỗ đó ổn định thì bọn tôi cũng xin chào luôn, chừa luôn, khiếp lắm rồi”.

Thông tin Báo Bảo vệ pháp luật nắm được, đến thời điểm này, gần 200 công nhân mắc kẹt tại thủy điện Đắk Mi 2 đã được đưa ra khỏi hiện trường. Để đưa được số công nhân này ra, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã phải làm ròng rọc, cáp treo, chuyển từng người một qua suối Nước Mắt.

 

Ngọc Mẫn