Kết quả của Chiến lược cải cách tư pháp, nền tư pháp Việt Nam có nhiều khởi sắc hướng đến hoàn thành mục tiêu bảo đảm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời, phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế XHCN, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm...

Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Tạ Quang Khải - Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương về kết quả của Chiến lược cải cách tư pháp và phương hướng nhiệm vụ của cải cách tư pháp trong giai đoạn tới.

leftcenterrightdel

Trung tướng Tạ Quang Khải nghe báo cáo án. 

Phóng viên: Thưa Trung tướng, cải cách tư pháp, là một trong những nhiệm vụ và yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới hiện nay, xin Trung tướng chia sẻ về kết quả của việc triển khai Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát quân sự?

Trung tướng Tạ Quang Khải: Ngành Kiểm sát quân sự thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49) và Nghị quyết 67/NQ-ĐUQSTW ngày 08/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong Quân đội (Nghị quyết 67) trong điều kiện cả nước tích cực thực hiện đẩy mạnh đổi mới hệ thống chính trị, cải cách kinh tế, cải cách nền hành chính quốc gia; các đơn vị Quân đội tập trung xây dựng lực lượng chính quy; cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, đặc biệt là đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt được những kết quả quan trọng. 

Bên cạnh những thuận lợi, công cuộc cải cách tư pháp còn bị tác động bởi những khó khăn như: Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá cách mạng nước ta dưới nhiều hình thức, tình hình vi phạm, tội phạm trong và ngoài Quân đội còn diễn biến phức tạp; về tổ chức, ngành Kiểm sát quân sự giảm đầu mối theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đội ngũ cán bộ của Ngành có kinh nghiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn hết tuổi phục vụ tại ngũ chuyển ra nhiều, số cán bộ giữ chức danh tư pháp thiếu; kinh phí bảo đảm cho hoạt động của ngành còn hạn hẹp...là những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nội dung của Nghị quyết.

Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng trong Chiến lược cải cách tự pháp của Đảng, Viện kiểm sát quân sự Trung ương đã tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết trong toàn ngành; đã phối hợp với các cơ quan tư pháp trong Quân đội tham mưu, đề xuất với Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) ban hành Nghị quyết 67 về lãnh đạo thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020. 

Là thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp BQP; hàng năm, Viện kiểm sát quân sự Trung ương phối hợp với các cơ quan tư pháp trong Quân đội tham mưu cho Thủ trưởng BQP xây dựng, kiểm tra thực hiện Kế hoạch cải cách tư pháp trong Quân đội đối với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Viện kiểm sát quân sự Trung ương ban hành Quyết định số 02/QĐ-TCCB ngày 18/01/2006 về việc thành lập Tổ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49 trong ngành Kiểm sát quân sự, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống Viện kiểm sát quân sự; Kế hoạch số 88/KH-TCCB ngày 23/8/2007 triển khai, thực hiện Nghị quyết 49, Nghị quyết 67 và các Kế hoạch về cải cách tư pháp của VKSND tối cao, BQP đối với toàn ngành Kiểm sát quân sự. Hàng năm, căn cứ chỉ thị, kế hoạch yêu cầu của trên, Viện kiểm sát quân sự Trung ương xây dựng và tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình, kế hoạch thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Các Viện kiểm sát quân sự cấp dưới triển khai thực hiện nghiêm chương trình, kế hoạch cải cách tư pháp của cấp trên; quan tâm kiện toàn, tổ chức biên chế, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết 49 được ngành Kiểm sát quân sự chú trọng. Qua sơ kết, tổng kết đánh giá thực trạng, tiến độ thực hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, biện pháp cụ thể cho những năm tiếp theo. 

Theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng BQP, hàng năm Viện kiểm sát quân sự Trung ương tổ chức tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ công tác kiểm sát cho cán bộ Viện kiểm sát Quân đội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào theo đúng kế hoạch đề ra; năm 2017, cử 2 cán bộ trực tiếp sang giảng dạy nghiệp vụ tại các Viện kiểm sát Quân đội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; thường xuyên cử cán bộ tham dự các Hội nghị do VKSND tối cao Việt Nam và VKSND tối cao Lào tổ chức.

Phóng viên: Từ những kết quả đạt được, Trung tướng có thể chia sẻ một số nội dung và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49?

Trung tướng Tạ Quang Khải: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng BQP, Viện trưởng VKSND tối cao; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ nhân viên, kết quả thực hiện Nghị quyết 49 của ngành Kiểm sát quân sự. Cán bộ, nhân viên toàn Ngành đã quán triệt mục tiêu, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ, biện pháp, lộ trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49; nhận thức đầy đủ mục tiêu của chiến lược là nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong tiến trình cải cách tư pháp. Chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp được nâng lên rõ rệt

leftcenterrightdel
Họp chỉ đạo án tại Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

Các chủ trương về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động động điều tra; Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa đã được triển khai thực hiện hiệu quả.  Tình hình tội phạm được phát hiện, xử lý đúng quy định của pháp luật ngày càng cao. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra được tăng cường, bảo đảm việc khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, việc điều tra, truy tố chính xác, đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội.

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử ở các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm được nâng lên. Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Về cơ bản Kiểm sát viên đã thực hiện tốt việc xét hỏi tại phiên toà; việc luận tội, tranh luận thực hiện trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ được kiểm tra công khai trước phiên toà; quan điểm của Viện kiểm sát về tội danh, đề xuất mức hình phạt, các biện pháp tư pháp cơ bản được Hội đồng xét xử chấp nhận. 

Chất lượng công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được nâng lên. Các Viện kiểm sát quân sự tích cực áp dụng nhiều biện pháp kiểm sát, phát hiện vi phạm, ban hành kiến nghị, kháng nghị kịp thời, góp phần đảm bảo chế độ tạm giữ, tạm giam, giáo dục cải tạo phạm nhân được thực hiện đúng quy định; các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, không để xảy ra hiện tượng đơn thư, khiếu kiện phức tạp phát sinh do thiếu trách nhiệm của Viện kiểm sát quân sự. 

Phóng viên: Thưa Trung tướng, dự báo tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong nước và quốc tế có ảnh hưởng gì đến công tác cải cách tư pháp?

Trung tướng Tạ Quang Khải: Tình hình thế giới những năm tới xu thế chủ đạo vẫn là hoà bình, hợp tác phát triển. Trong nước, kinh tế, chính trị xã hội tiếp tục ổn định, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm, hệ thống chính trị nói chung, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục được củng cố, tăng cường và hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 2013. 

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, sự chống phá của các thế lực thù địch và tình trạng “tự diễn biến” “tự chuyển hoá”, tham nhũng và vi phạm pháp luật liên quan đến Quân đội, cùng sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế sẽ làm xuất hiện, gia tăng các loại tội phạm như: Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, rửa tiền, ma tuý, kinh tế, công nghệ cao, an ninh mạng... đe doạ trực tiếp công tác bảo đảm bí mật quân sự, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ. Trước yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, công cuộc cải cách tư pháp trong Quân đội cần được tiếp tục đẩy mạnh bằng những giải pháp đồng bộ khoa học quyết liệt hơn. 

Phóng viên: Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện công tác cải cách tư pháp trong giai đoạn tới là gì, thưa Trung tướng?

Trung tướng Tạ Quang Khải: Cải cách tư pháp là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ cả về nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất... Vì vậy, phương hướng, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát quân sự là: Tiếp tục tham mưu với Viện trưởng VKSND tối cao, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng BQP về đẩy mạnh, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và các kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48, Nghị quyết 49.

Tích cực phối hợp trong tham mưu với BQP, trực tiếp tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật do các bộ, ngành, VKSND tối cao chủ trì soạn thảo; đặc biệt là các dự án luật liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành và Quân đội. Tiếp tục tham mưu với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng BQP triển khai, thực hiện nghiêm Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội”. Thực hiện cơ chế đánh giá đúng và bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, bảo đảm nguồn cán bộ chất lượng, chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ.

Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp, chỉ huy các Phòng, Văn phòng tăng cường lãnh đạo và chịu trách nhiệm về lĩnh vực công tác được giao; tiếp tục tổ chức, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ đề ra trong các nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”. Tập trung các biện pháp nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương. Thực hiện chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp... 

Thường xuyên chăm lo, giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị 05-CT/TW của BCT khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Nghiên cứu đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến về chủ trương nhiệm vụ cải cách tư pháp. Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác chuyên môn, công tác quản lý điều hành. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu với cấp có thẩm quyền quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, chế độ đặc thù bảo đảm cho hoạt động của Ngành. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong học tập rút kinh nghiêm về xây dựng tổ chức, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong Quân đội.

Phóng viên: Xin cảm ơn Trung tướng!

Trần Tâm