Bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân

Báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Mặc dù, tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm, nhưng tình hình tội phạm gia tăng, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 86.032 vụ án, tăng 2,1% so với năm 2020, trong đó, có nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện khởi tố… Dự báo sắp tới tình hình tội phạm sẽ phức tạp hơn sau COVID-19 do mất việc làm, không có thu nhập và các tranh chấp dân sự, kinh tế sẽ tăng…

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2021 của ngành Kiểm sát nhân dân. 

Để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nhằm đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao đã sớm ban hành Chỉ thị công tác năm 2021, trong đó, xác định rõ 4 mục tiêu lớn, 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể hóa thành 116 nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác năm 2021 của VKSND tối cao.

Đồng thời, đã ban hành 6 chỉ thị chuyên đề; trực tiếp chỉ đạo nhiều giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện mà trọng tâm là nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính; tăng cường kiểm sát việc thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; triển khai thực hiện tốt công tác đặc xá; nâng hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính và hình sự. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp phải nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của Viện kiểm sát trước Đảng, Nhà nước và nhân dân...

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, phát huy tính gương mẫu, trách nhiệm của người Đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Cùng với đó, ngành KSND tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tập trung vào công tác đào tạo cán bộ với nhiều giải pháp như: tự học, tự đào tạo, đào tạo qua phân công, giao công việc,... và nhất là việc lựa chọn người đứng đầu các cấp kiểm sát. Thực hiện việc luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, nhằm đào tạo toàn diện cán bộ; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, nhất là tại những đơn vị đảm nhiệm lĩnh vực công tác nhạy cảm. Trong năm 2021, VKSND tối cao đã điều động, bổ nhiệm, biệt phái 294 lãnh đạo VKSND các cấp; đã thi tuyển chọn, bổ nhiệm 908 Kiểm sát viên, Điều tra viên các ngạch; đã thực hiện tinh giản 531 biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

leftcenterrightdel
Quốc hội nghe Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2021 của ngành Kiểm sát nhân dân. 

Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục chỉ đạo nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành. Cùng với Chỉ thị công tác năm 2021, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành 15 quy chế, quy định, quy trình về nghiệp vụ và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên sâu nhằm bảo đảm thống nhất về nhận thức và trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu đã đề ra trong năm 2021 của toàn Ngành.

Ngành Kiểm sát luôn xác định chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của Ngành và yêu cầu Kiểm sát viên phải thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm; tích cực đề ra yêu cầu điều tra, tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ; chấp hành nghiêm quy định về thẩm quyền điều tra; quản lý chặt chẽ các vụ án tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra; đề ra các giải pháp thiết thực để hạn chế các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung có lỗi của Kiểm sát viên; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự.

Toàn Ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; đã đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Song song với đó, ngành Kiểm sát đã chủ động tham gia và thực hiện những nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, tập trung vào những nội dung liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Đồng thời, đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 9 thông tư liên tịch, 20 nghị quyết, thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự,… VKSND tối cao luôn chú trọng và yêu cầu định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, một năm) Viện kiểm sát các cấp phải tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật để hướng dẫn, giải đáp.

Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành; tranh thủ sự hỗ trợ hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành. Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện các đề án về ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2025 của Ngành.

Ngoài ra, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phòng, chống dịch. Đồng thời, ban hành Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo kịp thời, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp giải pháp để phòng, chống dịch COVID-19, nhằm bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ công tác của Ngành…

Ngành Kiểm sát nhân dân đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trong năm 2021, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 144.437 nguồn tin về tội phạm, tăng 2,2%; đã ban hành 105.717 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, tăng 2,5%; trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.312 cuộc tại Cơ quan điều tra;…

Qua kiểm sát, đã phát hiện, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 857 vụ án, tăng 8,3%; đã ra quyết định hủy 140 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án thiếu căn cứ pháp luật. Đồng thời, trực tiếp ra 16 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra;...

Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt, tạm giữ 76.136 người; đã trực tiếp, tham gia lấy lời khai đối với 42.773 người nhằm bảo đảm việc ban hành các quyết định phê chuẩn có căn cứ, đúng pháp luật. Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 117.220 vụ/175.617 bị can, tăng 6,1% về số vụ và 8,6% về số bị can. Trong đó, có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ án làm lây lan dịch bệnh và chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đã ban hành 84.013 yêu cầu điều tra, tăng 8,5%; trực tiếp hỏi cung 45.934 bị can, không phê chuẩn 501 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; trực tiếp hủy 694 quyết định tạm giữ, 35 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án không có căn cứ hoặc trái pháp luật của Cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra bắt tạm giam 78 bị can theo đúng quy định pháp luật.

Ngành Kiểm sát chủ động hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng bắt, giam; chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan, sai giảm dần và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội.

Cụ thể: tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt 98,8%, tăng 0,8%; số vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 100%, vượt 10% và số bị can Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,99% vượt 4,99% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 96 của Quốc hội. Số bị can phải đình chỉ do không phạm tội chiếm tỷ lệ rất nhỏ (16/175.617 bị can) so với số đã xử lý và giảm 33,3% so với năm 2020.

Đã ban hành Quy định về “Số hóa hồ sơ”, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa trong Ngành; Hướng dẫn kiểm sát biên bản phiên tòa xét xử hình sự; phối hợp với Tòa án tổ chức 8.965 phiên tòa rút kinh nghiệm, tăng 57,9%; yêu cầu Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các quy định và hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND tối cao;...

Kết quả, toàn ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 87.933 vụ/157.135 bị cáo. Thông qua công tác kiểm sát xét xử, đã phát hiện nhiều vi phạm và ban hành 971 kháng nghị phúc thẩm, tăng 7,5%. Trong đó, số kháng nghị được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 77,2%, tăng 4% và vượt 7,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội; ban hành 203 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 51,5% và số kháng nghị được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 82,4%, vượt 7,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội. Đặc biệt, năm 2021, ngành Kiểm sát không để xảy ra trường hợp truy tố, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.

Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có nhiều tiến bộ, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt yêu cầu Quốc hội giao như: tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm đạt tỷ lệ 92,9%, tăng 16,5%, vượt 2,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ 71,7%, vượt 1,7% so với chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 100%, vượt 10% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 96 của Quốc hội. Qua đó, đã khởi tố, điều tra để đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp.

Tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Theo đó, đã thu hồi hơn 4.500 tỷ đồng, phong tỏa tài khoản và kê biên nhiều tài sản có giá trị lớn như: cổ phiếu, bất động sản. Trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng VKSND tối cao đã tham dự phiên điều trần trực tuyến của Tòa án Singapore thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam, thu hồi được hơn 2,7 triệu USD.

Ngành KSND đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Trong năm 2021, ngành Kiểm sát tiếp tục tập trung biện pháp nâng số lượng, chất lượng kháng nghị án dân sự, hành chính; tăng cường kiểm sát việc áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện công tác đặc xá đúng quy định pháp luật, bảo đảm phù hợp với tình hình dịch bệnh;...

Kết quả, toàn ngành Kiểm sát đã ban hành 15.689 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Nhìn chung, chất lượng kháng nghị bảo đảm, riêng tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 99,6%, vượt 19,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trong năm 2022, ngành KSND sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác trọng tâm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ, nhất là các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Nâng cao số lượng, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra nâng tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm; triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường công tác phối hợp liên ngành bảo đảm tiến độ, chất lượng các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật về tư pháp, nhất là những vấn đề có nhận thức chưa thống nhất. Thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiệp vụ của các đơn vị trong Ngành. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bên cạnh đó, ngành KSND sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp; hoàn thiện, thực hiện Đề án vị trí việc làm và Đề án tổ chức, biên chế của Ngành. Nâng chất đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Ngoài ra, ngành KSND sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường hợp tác đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng, thực hiện hiệu quả các đề án tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện cho ngành Kiểm sát hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cơ chế phân bổ kinh phí cho ngành Kiểm sát nhân dân chưa phù hợp

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua, các cơ quan tư pháp đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công, việc đấu thầu mua sắm tài sản, trang thiết bị, thực hiện các dự án về công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết công tác trọng tâm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và để khắc phục triệt để nguyên nhân phát sinh các vụ án trên, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm trong các lĩnh vực này.

Cụ thể, kiến nghị xem xét, bổ sung xây dựng Luật Đăng ký tài sản vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong nhiệm kỳ XV; đồng thời, đề nghị Chính phủ có lộ trình áp dụng nhiều biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội theo hướng các hoạt động giao dịch kinh tế đều qua Ngân hàng để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, các đạo luật về tư pháp được ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay đã qua 5 năm triển khai, thi hành và có đạo luật, có quy định chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Kiến nghị Quốc hội chỉ đạo sơ kết việc thi hành các đạo luật về tư pháp, qua đó xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác tư pháp.

Cuối cùng, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng giao dự toán chi thường xuyên căn cứ vào khối lượng nhiệm vụ thực tế gắn với hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành KSND là kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra chiếm 2/3 khối lượng công tác nghiệp vụ (như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng), chỉ có 1/3 công tác nghiệp vụ gắn với hoạt động của Tòa án nhưng cơ chế phân bổ kinh phí hành chính hiện nay là chưa phù hợp, Ngành KSND rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Chiều ngày 23/10, cùng với Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng VKSND tối cao, Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Theo Chương trình làm việc trong ngày Chủ nhật 24/10/2021, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

 

Vũ Cảnh