|
|
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội sáng 8/11. |
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.
Cần hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch COVID-19
Phát biểu thảo luận, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho rằng: Công tác vận động và huy động xã hội đã được Đảng, nhà nước, Mặt trận, đoàn thể quan tâm. Đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tham gia hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Riêng UBMTTQ Việt Nam đã vận động kinh phí hiện vật tương đương trên 20 ngàn tỷ; phân bổ phần quà đại đoàn kết và túi an sinh xã hội trị giá trên 10 ngàn tỷ đồng.
|
|
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) phát biểu thảo luận. |
Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đạt được, theo bà Linh công tác phòng chống dịch trong thời gian qua còn bộc lộ những khó khăn hạn chế như: công tác dự báo tình hình dịch có lúc chưa sát với thực tiễn; công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian đầu đợt dịch lần thứ 4 có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo các tình huống cụ thể và đột xuất.
Bên cạnh đó, đại biểu Linh cho biết, việc phân bổ số lượng vắc xin chưa đồng đều giữa các địa phương; hệ thống y tế còn bộc lộ yếu kém, nhất là y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra; còn nhiều đối tượng khó khăn chưa nhận được gói hỗ trợ an sinh xã hội, thủ tục hỗ trợ còn phức tạp rườm rà, tiến độ giải ngân chậm, quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất…
Đưa ra kiến nghị, đại biểu Linh đề xuất: Chính phủ đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; nghiên cứu tăng cường dự báo xu hướng dịch COVID-19; chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt ứng phó với dịch COVID-19; tập trung nguồn lực, đầu tư cho ngành y tế; tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở…
Không theo đuổi chính sách “Zero COVID”
Phát biểu thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) chia sẻ, cho đến thời điểm này, có thể nói dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng củanhân dân, chúng ta đã cơ bản kiểm soát đợt dịch COVID - 19 bùng phát lần thứ 4, một đại dịch chưa từng có trong lịch sử.
|
|
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) phát biểu thảo luận. |
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa khẳng định, là các biện pháp phòng, chống dịch của chúng ta thời gian qua mặc dù có việc chưa từng có trong tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn, bảo đảm yêu cầu chung với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có sự đồng lòng, nhất trí của người dân đã giúp cho nhiều địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại biểu Hoa cũng nhìn nhận, trong công tác phòng, chống dịch vẫn còn có điểm hạn chế. Cụ thể, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ, chia cắt; nhưng tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp như đặt ra những loại giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát…
Thời gian tới, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, đại biểu Mai Thị Phương Hoa ủng hộ quan điểm của Thủ tướng là thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, chứ không theo đuổi chính sách "không COVID". Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với COVID-19.
Vì vậy, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới…
Phải giải quyết được những vấn đề căn cơ
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết, để thực sự là sống chung với dịch và chủ động linh hoạt trong việc khống chế tỷ lệ nhiễm và giảm được số ca gây nặng và giảm được tử vong, trong thời gian vừa qua, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh, có những kinh nghiệm thực tế.
|
|
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng sáng 8/11. |
Bên cạnh đó, đại biểu Lan cũng cho rằng, phải xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở, đây không phải lần đầu tiên nói về vấn đề y tế cơ sở. “Bản thân tôi tham gia đại biểu Quốc hội đến nay là khóa thứ 3 và chúng tôi nhớ trong tất cả các khóa chỉ có 1 chỉ tiêu 30 % ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, chưa kể 30 % đó cũng không đáng kể gì nếu so với cái cần thiết, nhu cầu của người dân. Chúng ta phải có phân bổ như thế nào để thật sự đáp ứng với quy mô dân cư chứ không phải chỉ trên vấn đề phân chia về địa lý”- đại biểu Lan chia sẻ.
Ngoài ra, theo đại biểu Lan, cần phải có một chính sách xuyên suốt, một chủ trương quan điểm từ Chính phủ và chỉ đạo cho Bộ Y tế để có những chính sách cụ thể, đặc biệt trong vấn đề xây dựng về quan điểm. Chưa có giai đoạn nào như giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Bộ Y tế rất vất vả, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo về pháp lý, hướng dẫn cho các địa phương mà thực sự Bộ Y tế cũng đã vào cuộc. Nhưng nếu chúng ta không giải quyết được những vấn đề thuộc về căn cơ thì chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục bị động…