Giải trình tại Phiên thảo luận, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, qua thảo luận đã có nhiều ý kiến xác đáng thể hiện sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với một số vấn đề vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau, ngày 24/10/2021, VKSND tối cao đã có Công văn kèm theo bản giải trình cụ thể, chi tiết từng nội dung còn ý kiến khác nhau để gửi đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Chỉ tập trung sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự

Về ý kiến tên Luật, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, VKSND tối cao đề nghị giữ nguyên tên “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, việc sửa đổi Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự chỉ để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời đáp ứng đúng theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Về ý kiến đề nghị không quy định sửa đổi Điều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự thành điều luật riêng mà thiết kế trong quy định về hiệu lực thi hành, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, VKSND tối cao nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật.

Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi dự án Luật lần này chỉ tập trung sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP; giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, không mở rộng đến các nội dung khác mà chưa được nghiên cứu, đánh giá, tổng kết đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, những ý kiến đại biểu góp ý đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác nằm ngoài phạm vi trên sẽ được VKSND tối cao tiếp tục ghi nhận và nghiên cứu, tổng kết toàn diện để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Bảo đảm cao nhất cho lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích của người tiêu dùng

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 của Bộ Luật Tố tụng hình sự có liên quan đến Khoản 1 Điều 226 Bộ Luật Hình sự, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, tại Phiên họp trực tuyến này vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Do đó cần có sự cân nhắc, lựa chọn, đảm bảo cao nhất cho lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích của người tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu khi xảy ra trong thực tiễn thì đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề này.

leftcenterrightdel
Quốc hội nghe Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí giải trình các ý kiến đại biểu liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự sáng 25/10.

Viện trưởng Lê Minh Trí phân tích, tại điều khoản của Hiệp định CPTPP về công nhận chỉ dẫn địa lý có quy định rằng các bên thừa nhận chỉ dẫn địa lý có thể bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu; hoặc một hệ thống riêng; hoặc các biện pháp pháp lý khác. Như vậy, có thể hiểu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu.

Ở Việt Nam, từ trước đến nay chính sách bảo hộ đối với hai đối tượng này đều có sự tương đồng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự là đảm bảo sự thống nhất về chính sách pháp luật, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chính sách xử lý hành vi xâm phạm quyền.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý không chỉ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Do đó, việc giao quyền chủ động yêu cầu khởi tố vụ án cho chủ sở hữu quyền, mặc dù ở khía cạnh nhất định có thể bảo vệ được chủ sở hữu quyền nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và Việt Nam sẽ ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc chú trọng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP cũng thể hiện Việt Nam coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi, an toàn và thu hút đầu tư nước ngoài. Từ các phân tích trên, việc sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp.

Sẽ kiểm sát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của công an xã

Từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ quan điểm nhất trí với sự cần thiết bổ sung thẩm quyền của công an xã trong hoạt động điều tra, tố tụng hình sự; đồng thời làm rõ, việc bổ sung này nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về bố trí công an xã chính quy. Đại biểu cho biết thực hiện phương châm “Bộ tinh, Tỉnh mạnh, Huyện toàn diện và Xã bám cơ sở”, thời gian qua, lực lượng công an xã trong tỉnh Hải Dương và các địa phương khác trong toàn quốc đã tổ chức chính quy về chức danh cơ cấu lực lượng, năng lực và trách nhiệm, làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý ngay các vụ việc tại địa bàn cơ sở. Thực tiễn 2 năm triển khai hoạt động công an xã chính quy tham gia vào công tác điều tra hình sự đã góp phần kéo giảm tội phạm trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tình hình an toàn trật tự cơ sở.

leftcenterrightdel
  Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 liên quan đến thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc Dự thảo luật sửa đổi theo hướng bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã.

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Hội trường Quốc hội sáng 25/10. 

Làm rõ hơn nội dung này, Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ ra rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây khó khăn rất lớn trong hoạt động của xã hội nói chung và khó khăn trong hoạt động xử lý các tình huống liên quan đến tội phạm ở cơ sở nói riêng. Thời gian qua, Công an xã đã được tăng cường lực lượng công an chính quy về cơ sở khá nhiều. Lực lượng này có thể giải quyết ngay tại chỗ một số tình huống, giảm áp lực quá tải cho Công an huyện; đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở cả trước mắt và lâu dài.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, năng lực của Công an xã dù đã được chuyển biến nhiều, tuy nhiên thời gian tới cần tiếp tục tính toán về nhân sự, tái đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất với một lộ trình khẩn trương, tích cực. Đồng thời, khi Công an xã được bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm thì VKSND cấp huyện sẽ kiểm sát chặt chẽ hoạt động này của Công an xã, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Cần thiết bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án

Liên quan đến việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố vì lý do thiên tai, dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh, cho biết, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn quốc, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly, dẫn đến việc kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, việc tiến hành các hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự và việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của các cơ quan có thẩm quyền bị trì hoãn, kéo dài. Do không thực hiện được các hoạt động cần thiết để xác định hành vi phạm tội, người phạm tội, để quyết định việc khởi tố, để chứng minh tội phạm khi kết thúc điều tra hoặc để quyết định việc truy tố.

Đại biểu cho biết, từ tháng 6/2021 đến ngày 30/9/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hồ sơ vụ án không có cách nào giải quyết, hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, do hồ sơ do dịch bệnh điều tra viên thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ và Viện kiểm sát không thể truy tố được do thiếu tài liệu, chứng cứ. Mặt khác, phải thực hiện các quy định của tố tụng và quy chế của ngành nên Viện kiểm sát cũng không thể trực tiếp phúc cung, hỏi cung để ban hành cáo trạng. Hồ sơ có chuyển tòa thì tòa cũng không thể xét xử, do đó không có cách giải quyết.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình diễn biến của dịch vẫn còn hết sức phức tạp, do đó, nguy cơ các vụ án, vụ việc bị đình trệ do thiên tai, dịch bệnh sẽ gia tăng nếu không có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh 

Với lẽ đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang bày tỏ tán thành bổ sung quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 và khoản 1 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để có cơ chế kiểm soát đối với những người bị buộc tội do vụ án, vụ việc vẫn trong vòng tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng vẫn tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Việc bổ sung quy định này cũng góp phần thực hiện hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, đại biểu Thanh Sang cũng đề nghị giao Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao chủ trì phối hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chánh án Tòa án nhân tối cao quy định chi tiết nội dung này. Trên cơ sở hướng dẫn của liên ngành Trung ương, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Đề xuất Luật có hiệu lực thi hành ngay từ ngày được Quốc hội thông qua

Đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 về bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, biện pháp này được coi là biện pháp kỹ thuật cuối cùng, cần pháp luật cho phép để xử lý tình huống khi hết hạn điều tra, truy tố mà các cơ quan chức năng không thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm do thiên tai dịch bệnh…

Về hiệu lực thi hành dự án Luật, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ, để bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn hiện nay, Cơ quan soạn thảo đã trình dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Do đó, VKSND tối cao kiến nghị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Quốc hội thông qua. Quy định này cũng bảo đảm phù hợp với khoản 2 Điều 151 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp theo 211 ý kiến các đại biểu đã phát biểu tại thảo luận tổ, trong phiên thảo luận tại hội trường đã có 17 ý kiến phát biểu, có 2 ý kiến tranh luận. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã giải trình, tiếp thu, làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu tối đa để hoàn chỉnh dự thảo Luật và sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội xem xét và dự án Luật này sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

 Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu Quốc hội phát biểu đánh giá cao Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Ủy ban Tư pháp (Cơ quan chủ trì thẩm tra) trong việc chuẩn bị Tờ trình, hồ sơ dự án luật và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét; đồng thời cơ bản thống nhất với nội dung trong các báo cáo.

Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP); đồng thời, tháo gỡ những khó khăn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nói riêng và phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.


Vũ Cảnh-