|
|
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 6 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Đà Nẵng, Trà Vinh) sáng 22/10. |
Theo đó, nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh đã cơ bản được khống chế với con số tăng trưởng và tăng thu ngân sách ấn tượng, đặc biệt vừa qua đã có gần 40 nghìn người rời khu vực công… thì việc tăng lương là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên thời điểm nào là phù hợp vẫn cần cân nhắc.
Nên tăng lương ngay từ đầu năm hay giữa năm 2023?
Tán thành với đề xuất của Chính phủ tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng) phân tích trong bối cảnh, điều kiện vẫn tiềm ẩn những rủi ro, khó khăn về phát triển kinh tế thì thời điểm điều chỉnh lương cũng sẽ tác động rất lớn đến khả năng xảy ra lạm phát và kiềm chế lạm phát cũng như việc điều hành kinh tế vĩ mô.
|
|
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng) phát biểu thảo luận. |
“Tuy rằng giải quyết được bài toán đối với người được tăng lương nhưng có khả năng tạo ra lạm phát rất lớn, khi chỉ số giá tiêu dùng ở thời điểm cận Tết và đầu năm, ở cả cuối cuối năm sẽ dễ xảy ra” - đại biểu Trần Chí Cường chia sẻ.
Có quan điểm khác, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, sau khi Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID - 19, thì đã đến lúc các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước cần phải được quan tâm để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và nên thực hiện ngay từ đầu năm 2023.
|
|
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) phát biểu thảo luận. |
“Kỳ điều chỉnh tăng lương cơ sở gần đây nhất là vào ngày 1/7/2019 nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào ngày 1/7/2023 như tờ trình của Chính phủ thì mất 4 năm thì lương công chức, viên chức mới được tăng 20,8% trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng qua các năm từ năm 2019 - 2022 bình quân là khoảng 11,8%. Như vậy nếu trừ yếu tố lạm phát trong 4 năm, tiền lương công chức chỉ tăng khoảng 9%. Điều này là không hợp lý so với tăng trưởng kinh tế của cả nước là hơn 20% trong giai đoạn 2019 – 2022. Mặt khác là theo dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023 sẽ vào khoảng 4,5 – 5%, do vậy việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2023” - Đại biểu Trần Quốc Tuấn phân tích.
Cần chú ý hơn đến vấn đề áp lực công việc và cơ hội thăng tiến của công chức, viên chức
Đại biểu Siu Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho rằng, tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc nhiều trong các lĩnh vực như: Y tế, Giáo dục... trong thời gian gần đây là việc rất đáng quan tâm. Đại biểu đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm đến vấn đề chính sách tiền lương, đưa vào chương trình để thực hiện chính sách trong năm 2023.
Ngoài chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, theo đại biểu Siu Hương, còn 2 nguyên nhân khác, đó là cơ hội thăng tiến và áp lực công việc cũng sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của công chức, viên chức. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần rất để ý đến các vấn đề này, tránh tình trạng để bác sĩ giỏi chuyển ra khu vực ngoài công lập.
Qua phân tích, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, nguồn ngân sách để tăng lương cơ sở ngay từ 1/1/2023 vẫn đảm bảo từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2022. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm xác định lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp…