leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 5/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tự chủ trong lĩnh vực giáo dục đại học đạt kết quả rất tốt

Trong thời gian qua, việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên mới chỉ đạt được tỉ lệ 6,6%. Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để thực hiện hiệu quả tự chủ với đơn vị nghiệp công lập trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, tự chủ đơn vị sự nghiệp là chủ trương lớn, xuyên suốt từ nhiều nhiệm kỳ qua của Đảng, Nhà nước ta và đã được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, mới đây nhất là Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 5/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong nhiều năm qua, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã đạt được những kết quả rất tích cực. Trước hết, về mặt nhận thức, chúng ta đã thay đổi tư duy để quan tâm thực hiện tự chủ và từ đó cũng đã từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy tự chủ, đặc biệt là tự chủ các đơn vị sự nghiệp kinh tế và tự chủ sự nghiệp y tế, sự nghiệp giáo dục đại học.

Riêng về tự chủ tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết số 19 đặt ra; chi thường xuyên và chi đầu tư mới chỉ đạt khoảng 6,6%; tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, trong thực tiễn, đã có những lĩnh vực đạt được kết quả rất tốt. Cụ thể, trong lĩnh vực tự chủ giáo dục đại học, có 108/232 đơn vị đại học đã bảo đảm tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư, chỉ còn 8 đơn vị vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước.

Tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp Y tế có kết quả rất khiêm tốn

Đối với các đơn vị sự nghiệp Y tế, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, thực tế thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhìn tổng thể vẫn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.

Nguyên nhân của tình trạng trên được Bộ trưởng chỉ rõ là: do chưa hoàn thiện được hệ thống thể chế một cách đồng bộ, đầy đủ, liên thông, thống nhất và nhất quán để thúc đẩy các đơn vị tự chủ; hệ thống pháp luật cũng chưa đầy đủ, như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp của Quốc hội sáng 5/11 tại Hội trường Diên Hồng (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, hai năm vừa qua, chúng ta cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, do đó hệ thống đơn vị sự nghiệp để thực hiện tự chủ cũng có những khó khăn hơn, đặc biệt là đối với đơn vị sự nghiệp Y tế.

Ngoài ra, nguyên nhân còn do sự hướng dẫn của các cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thật sự quyết tâm và quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ; hay từ chính bản thân những người đứng đầu đơn vị sự nghiệp…

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong thời gian tới, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị đánh giá một cách căn cơ, toàn diện, đầy đủ sau 5 năm thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp. Từ đó, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo cụ thể cho các bộ, ngành chức năng nhằm tháo gỡ toàn bộ những điểm nghẽn, rào cản, khơi thông cho việc thực hiện tự chủ.

“Bên cạnh đó, sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện một cách đồng bộ và liên thông, nhất quán toàn bộ hệ thống thể chế, chính sách. Một yếu tố rất quan trọng nữa là các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị tự chủ thì cũng phải thực sự quyết tâm để thực hiện” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Cần cải thiện và khắc phục trong thời gian tới

Phát biểu kết luận phiên chất vấn lĩnh vực nội vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, dưới sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đạt được nhiều kết quả tích cực, làm tốt nhiệm vụ quản lý ngành. Đồng thời cũng nhận diện rõ một số vấn đề vướng mắc, bất cập, hạn chế mà ngành nội vụ cần tiếp tục quan tâm, nỗ lực hơn nữa để cải thiện và khắc phục trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên chất vấn lĩnh vực Nội vụ (ảnh: VPQH cung cấp).

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, điểm nghẽn, vượt qua thách thức, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai có hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng thống nhất, kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm bảo đảm chất lượng ngay từ khi tuyển dụng; Rà soát, sửa đổi các quy định liên quan về quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật…

Vũ Cảnh