Trước khi tiến hành biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. |
Ngay sau đó, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết với sự tham gia của 462 đại biểu (chiếm 95,85% tổng số đại biểu Quốc hội). Kết quả: có 456 đại biểu tán thành; 4 đại biểu không tán thành và 2 đại biểu không biểu quyết. Như vậy, nếu tính số đại biểu có mặt tại Hội trường tại thời điểm biểu quyết, tỉ lệ tán thành thông qua Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đạt 98,7%.
Bộ Quốc phòng chủ trì nhiều nhiệm vụ ở khu vực biên giới
Với 6 Chương, 26 Điều, Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.
Khoản 1, Điều 2 của Luật Biên phòng Việt Nam định nghĩa: “Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.
|
|
Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 11/11. |
Tại điểm a, Khoản 1, Điều 10 của Luật quy định: “Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu;”.
Bộ đội Biên phòng chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng
Về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng. Khoản 1 của Điều 13 quy định: “Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”.
Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 13 của Luật cũng khẳng định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng là “Chủ trì” thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng ở khu vực biên giới, cửa khẩu để làm rõ và tránh chồng chéo với nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng khác như Công an; Hải quan… Các lực lượng khác có trách nhiệm phối hợp với Bộ đội Biên phòng để thực hiện các nhiệm vụ này.
|
|
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Dự thảo Luật. |
Theo đó, Khoản 2, Điều 13 quy định: “Bộ đội Biên phòng có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.
Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, Khoản 4, Điều 14 quy định: “Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.
Có quyền kiểm tra, xử lý phương tiện
Một điểm đáng chú ý là Luật cũng giao cho Bộ đội Biên phòng có quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
|
|
Màn hình hiển thị kết quả biểu quyết đã tính cả phần trăm những đại biểu không có mặt. Nếu tính dựa trên số đại biểu có mặt tham gia biểu quyết thì Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua với 98,7% đại biểu tán thành. |
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 15: Về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng quy định: “Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; cấp thị thực và các loại giấy tờ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 15 cũng quy định quyền hạn của Bộ đội Biên phòng là: “Đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.