Cùng với quy định về phạm vi điều chỉnh; về một số từ ngữ; về một số tình tiết là dấu hiệu định tội; về một số tình tiết định khung hình phạt; việc đánh giá, sử dụng chứng cứ trong trường hợp không thu được vật chứng; dự thảo Nghị quyết còn quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể.

Thứ nhất: Trường hợp chủ phương tiện, người quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện biết được mục đích thuê vận chuyển người khác nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép để người thuê thực hiện hành vi mua bán người thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép tại Điều 347 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm và áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Thứ hai: Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập quy định tại Điều 348 của Bộ luật Hình sự mà mỗi hành vi đều cấu thành một tội độc lập thì xử lý về nhiều tội. Ví dụ: A tổ chức cho B xuất cảnh trái phép, sau đó A lại tổ chức cho B nhập cảnh trái phép, thì bị xử lý về 2 tội.

Trường hợp người phạm tội có mục đích cho người khác ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho người đó nhập cảnh trái phép để ở lại Việt Nam (hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép là điều kiện để thực hiện hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép), thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Ví dụ: C có mục đích cho E ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho E nhập cảnh trái phép để E ở lại Việt Nam, thì C bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 của Bộ luật Hình sự.

Thứ ba: Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép quy định tại Điều 347 của Bộ luật Hình sự; tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định tại Điều 348 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên toà xét xử vụ án hình sự về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 BLHS. (Ảnh minh hoạ)

Thứ tư: Trường hợp người phạm tội đưa phương tiện giao thông đường thủy ra khỏi biên giới biển vào vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác khai thác thủy sản thuộc loài được tạm dừng đánh bắt hoặc loài cấm đánh bắt thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh trái phép quy định tại Điều 347 của Bộ luật Hình sự mà tùy trường hợp bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại Điều 242 của Bộ luật Hình sự hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trường hợp người phạm tội cản trở người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sự tuân thủ đối với các biện pháp bảo tồn, quản lý hoặc cản trở công việc của quan sát viên thực hiện nhiệm vụ thị sát sự tuân thủ các nguyên tắc áp dụng của cộng đồng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Thứ năm: Trường hợp người phạm tội có hành vi môi giới đưa phương tiện giao thông đường thủy, ngư dân ra khỏi biên giới biển nhằm đánh bắt thủy sản trái phép thì bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định tại Điều 348 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Thứ sáu: Trường hợp người phạm tội có hành vi đưa dẫn người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa Việt Nam thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam thì xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm. Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Ví dụ 1: A biết B sẽ tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua biên giới Lạng Sơn để vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì vụ lợi vẫn giúp B đưa người nước ngoài từ tỉnh Lạng Sơn vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp này, A bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm.

Ví dụ 2: C hành nghề lái xe ô tô Grab, biết rõ một số người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đang có nhu cầu đi từ khu vực biên giới vào TP Hà Nội để tìm việc làm. Vì vụ lợi, C đồng ý chở các đối tượng này và bị bắt giữ trên đường. Trường hợp này, xem xét xử lý C về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Thứ bảy: Đối với người phạm tội có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hoặc trốn đi nước ngoài quy định tại Điều 348, Điều 349 của Bộ luật Hình sự nhưng chưa đưa được qua biên giới thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đưa được qua biên giới mà bị phát hiện, bắt giữ, nhưng người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

P.V