Bộ Công an đang đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ Công an, tính đến hết tháng 6/2022, theo thống kê của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng Bộ Công an, có 607 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 28 quốc tịch khác nhau (bao gồm cả người không có quốc tịch) phạm tội chấp hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, xem xét về giới tính của các phạm nhân này có thể thấy, số lượng các phạm nhân nam là chủ yếu (529 phạm nhân). Về tội danh, đa số các phạm nhân đã bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế.
Cùng với đó, Bộ Công an đã nhận được trên 60 đề nghị của phía nước ngoài về việc chuyển giao công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam tiếp tục chấp hành án phạt tù (chủ yếu là Nhật Bản, Australia, Liên bang Nga), trong đó có đối tượng liên quan đến tổ chức khủng bố quốc tế, có đối tượng là đối tượng truy nã của Việt Nam.
Hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù thời gian qua thể hiện chính sách nhân đạo, khoan dung của Nhà nước ta đối với người phạm tội là người nước ngoài và trách nhiệm đối với công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài.
Qua triển khai thực thi các quy định về chuyển giao người bị kết án phạt tù của Luật Tương trợ tư pháp cho thấy một số thuận lợi như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù đã cơ bản tương thích với pháp luật quốc tế. Số lượng các điều ước quốc tế về chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam đã, đang và sẽ đàm phán, ký kết với các nước ngày càng tăng.
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường, chủ động hợp tác quốc tế sâu, rộng trong mọi lĩnh vực với các đối tác nước ngoài, trong đó có lĩnh vực chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Đội ngũ cán bộ phục vụ công tác chuyển giao người bị kết phạt tù từng bước được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh các mặt đã đạt được, qua triển khai thi hành quy định về chuyển giao người bị kết án phạt tù của Luật Tương trợ tư pháp còn cho thấy một số khó khăn, vướng mắc.
Cũng theo Bộ Công an, hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là hoạt động hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nước ngoài phạm tội, bị kết án phạt tù có thời hạn và tù chung thân có cơ hội được tiếp tục chấp hành án ở nước nơi người đó mang quốc tịch hoặc nơi cư trú chính của phạm nhân trên lãnh thổ nước nhận ngay trước khi người đó bị tuyên hình phạt tù trên lãnh thổ của nước chuyển giao vì mục đích nhân đạo, vì mục tiêu người phạm tội sẽ tái hòa nhập cộng đồng thành công sau khi chấp hành xong hình phạt, vì vậy, hoạt động này có ý nghĩa chính trị, nhân đạo sâu sắc.
Để đảm bảo hiệu quả hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, trong thời gian tới, Bộ Công an kiến nghị xây dựng một luật chuyên biệt về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, có phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh riêng, có nội dung đồng bộ, đầy đủ, toàn diện trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 để phân biệt rõ giữa các hoạt động mang bản chất nhân đạo với các hoạt động mang tính cưỡng chế cao như dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.
Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, góp phần khẳng định chính sách nhân đạo và chính sách phòng, chống tội phạm Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hoà nhập cộng đồng thành công.
Bên cạnh đó, tăng cường đàm phán, ký kết Điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với các quốc gia và vùng lãnh thổ nơi có nhiều công dân Việt Nam đang làm việc, sinh sống, lao động, học tập hoặc các quốc gia có nhiều công dân hiện đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên đất liền, trong cùng ASEAN...
Đồng thời, tiến hành khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng, tình hình người Việt Nam đang chấp hành án tại nước ngoài và nhu cầu được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án.
Để đạt được mục tiêu xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an đã xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách với sự đóng góp, tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau.
Báo cáo đánh giá tác động tập trung vào 3 chính sách chính. Cụ thể, chính sách 1: Hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; nội luật hóa quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; luật hóa những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Chính sách 3: Xây dựng cơ chế pháp lý hoàn thiện trong công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhằm khẳng định chính sách nhân đạo và chính sách phòng, chống tội phạm của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.