Theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng Nghị định nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập các điều ước quốc tế về vũ khí hủy diệt hàng loạt trong việc cấm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, sử dụng, đe dọa sử dụng, chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao, hỗ trợ, xin hỗ trợ, khuyến khích, xúi giục các hành vi bị cấm về vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc thực hiện các hành vi khác nhằm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đồng thời, tạo hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn, xử lý hành chính đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phổ biến, tài trợ phổ biến, các hành vi trái pháp luật khác liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 73 điều. Cụ thể: Chương I, quy định những vấn đề chung về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống phổ biến, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Chương II, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Chương III, quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; Chương IV, quy định về điều khoản thi hành.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu xem Robot trinh sát phóng xạ và hóa học RPH-18 do bộ đội Hóa học thiết kế. (Ảnh minh hoạ/TTXVN)

Về dung cơ bản của dự thảo Nghị định, đối với việc xác định lĩnh vực xử phạt: Vi phạm hành chính về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được xác định thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020, lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia có mức phạt tiền tối đa là 75 triệu đồng đối với cá nhân; trường hợp tổ chức thực hiện hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (150 triệu đồng).

Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lãnh thổ Việt Nam, trên tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam và tàu bay mang quốc tịch Việt Nam dù đang ở bất cứ nơi nào; Người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định quy định những nội dung có tính nguyên tắc chung trong áp dụng quy định xử phạt (Chương I); hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tại Chương II; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Chương III; quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành Nghị định tại Chương IV.

Trên cơ sở yêu cầu của các điều ước quốc tế về vũ khí hủy diệt hàng loạt và quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Nghị định có quy định dẫn chiếu đến các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan. Bên cạnh đó, xuất phát từ tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nghị định quy định mức xử phạt cao hơn.

P.V