Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 13/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo bước tiến mới trong tạo bước ngoặc trong quản lý cư trú, từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ chuyển đổi số ngày nay.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030”, trong đó bổ sung nhiều nội dung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đòi hỏi thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính phải được quy định phù hợp với hình thức nộp qua dịch vụ công trực tuyến để người dân thuận lợi khi thực hiện.

Năm 2023, Quốc hội khóa XV đã ban hành một số văn bản Luật có ảnh hưởng trực tiếp tới quy định của pháp luật cư trú như Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai. Đây là những văn bản pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến quy định tại Nghị định số 62/2021/NĐ-CP về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký cư trú cho công dân, về Cơ sở dữ liệu về cư trú và giải quyết đăng ký cư trú theo quy trình điện tử.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, qua 3 năm triển khai nghiêm túc, Nghị định số 62/2021/NĐ-CP đã góp phần mang lại kết quả đáng khích lệ trong thực hiện Luật Cư trú, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, qua thực tiễn thấy rằng, quy định của Nghị định vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tình hình thực tiễn, nâng cao hiệu quả, giá trị góp phần quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của công tác đăng ký, quản lý cư trú.

leftcenterrightdel
 Lực lượng Công an làm thủ tục cấp Thẻ căn cước công dân cho người dân. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể như: Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa lược bỏ việc nộp, xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, mối quan hệ nhân thân và điều kiện đăng ký cư trú một số trường hợp.

Quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với việc khai báo thông tin về cư trú, điều chỉnh thông tin nơi ở hiện tại cho công dân theo hướng đơn giản hóa.

Hoàn thiện quy định về nơi cư trú, xóa đăng ký cư trú, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng và điều chỉnh thông tin về cư trú, bảo đảm thích ứng việc chuyển đổi số, phát huy hiệu quả của Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Ngoài ra, hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hóa công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang đồng thời tiến chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu. Để đảm bảo thống nhất, đồng bộ và ứng dụng tối ưu hóa các hệ thống dữ liệu cần điều chỉnh quy định về Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Từ những lý do nêu trên cho thấy, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú (thay thế Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú) là rất cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay và những năm tiếp theo.

Việc xây dựng Nghị định nhằm mục đích thể chế hoá đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú; hướng dẫn chi tiết nội dung quy định của Luật Cư trú để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú, dân cư.

Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, không chồng chéo, không mâu thuẫn và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 19 điều. Nội dung dự thảo Nghị định bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không quy định thêm thủ tục hành chính mà còn cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục để tạo thuận lợi hơn cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

P.V