Ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố
Viện trưởng VKSND tối cao vừa ký Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ban hành Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố
Quyết định 264 áp dụng cho cả Viện Kiểm sát nhân dân và VKS quân sự. Theo đó, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi tiến hành các hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.
Quyết định 264 được thực hiện với nguyên tắc bảo đảm tuân thủ đúng quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của Bộ Công an, VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Thông tư liên tịch số 03/2018).
Bảo đảm không vi phạm các điều cấm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2018. Trường hợp xảy ra vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm và bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Những trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Các trường hợp có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh: Hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS);
Trực tiếp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLTTHS; Lấy lời khai của người làm chứng theo quy định tại Điều 187, lấy lời khai người bị hại, đương sự theo quy định tại Điều 188 BLTTHS; Đối chất theo quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTHS.
Phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung người kêu oan
Quyết định 264 cũng yêu cầu Kiểm sát viên phải trực tiếp kiểm sát việc ghi âm, ghi hình trong trường hợp bị can kêu oan hoặc khiếu nại hoạt động điều tra; khi có căn cứ xác định quá trình điều tra đã vi phạm pháp luật; khi tài liệu chứng cứ có mâu thuẫn…
Theo đó, Điều 5 của Quyết định 264 quy định: Kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội (gọi tắt là người đại diện pháp nhân) trong các trường hợp sau đây: Bị can, người đại diện pháp nhân kêu oan; Bị can, người đại diện pháp nhân khiếu nại hoạt động điều tra; Có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật;
|
|
Sơ đồ vị trí của buổi hỏi cung ghi âm, ghi hình. |
Khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can, người đại diện pháp nhân trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can; trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng.
Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát trực tiếp việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh nếu xét thấy cần thiết trong các trường hợp quy định tại Điều 4 của Quy trình tạm thời này.
Đối với các trường hợp mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì tiến hành kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thông qua việc nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Khi kiểm sát việc ghi âm, ghi hình, Kiểm sát viên phải yêu cầu phía điều tra thông báo về kế hoạch hỏi cung, trang thiết bị kỹ thuật sử dụng… đồng thời bố trí chỗ ngồi của bị can, Điều tra viên, người tham gia tố tụng theo đúng quy định.
Người giữ quyền công tố được phân công thụ lý vụ án cũng có thể trực tiếp ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Viện kiểm sát.
Khi đã lên kế hoạch, Kiểm sát viên không được hỏi cung nếu không bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình. Nếu thiết bị trục trặc khi đang hỏi cung, phải dừng lại và ghi vào biên bản.
Các Viện kiểm sát phải bố trí người có trách nhiệm để bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình đảm bảo nguyên vẹn, không bị mất. Các cơ quan, đơn vị khác có thể được sao lưu, sử dụng kết quả này nếu được lãnh đạo Viện kiểm sát đồng ý.
Quyết định 264 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/7/2020.