Quyền giám sát của công dân
Ba ngày nữa, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT chính thức có hiệu lực. Theo quy định, người dân sẽ có năm hình thức giám sát đối với lực lượng CAND trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Thứ nhất, giám sát thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật. Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ. Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Bộ Công an có quy định chi tiết về hình thức giám sát thứ năm, đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Thông tư nêu rõ người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo quy định tại thông tư, khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT. Khu vực bảo đảm trật tự ATGT phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 10 - Những việc nhân dân giám sát CAND trong công tác bảo đảm trật tự ATGT quy định: Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ; Việc nhân dân giám sát CAND thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.
Sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình phải tuân thủ Luật An ninh mạng
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật:
“Theo tôi, với nội dung Thông tư 67/2019, chúng ta có thể hiểu rằng người ghi âm, ghi hình được phép cung cấp tư liệu này cho báo chí; được tự do đăng tải trên các trang mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng.
|
|
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật. |
Tuy nhiên việc sử dụng các băng ghi âm, ghi hình này đăng tải trên mạng xã hội hay cung cấp phải tuân theo quy định của pháp luật cụ thể là Luật an ninh mạng. Luật an ninh mạng nghiêm cấm các hành vi trong đó có:
Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
|
|
Sử dụng kết quả ghi hình, ghi âm phải tuân thủ Luật an ninh mạng. Ảnh minh họa. |
Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Do đó việc xử các clip bị cắt xén nhằm mục đích bôi nhọ lực lượng CSGT sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trước thực trạng vi phạm và chống đối CSGT đang diễn ra phức tạp, việc ghi âm, ghi hình và đưa lên mạng xã hội cần phải được người dân đánh giá công bằng và chuẩn xác. Đã có nhiều CBCS trong lực lượng CSGT phải hi sinh vì hành vi vi phạm giao thông
Bởi thế, dư luận cũng cần lên án mạnh hành vi vi phạm giao thông, chống người thi hành công vụ trong khi lực lượng Công an đang ngày đêm vất vả giữ an ninh trật tự, đảm bảo bình yên cho cuộc sống của người dân”.