Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đúng quy định 

Theo đó, Quy chế quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức của VKSND, VKS quân sự các cấp. Quy chế được áp dụng đối với công chức của VKSND và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phải đối với công chức trong ngành KSND.

Đối với VKS quân sự thực hiện theo Quy chế này và các quy định khác của Bộ Quốc phòng. Quy chế không áp dụng đối với các chức vụ, chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, cán bộ điều tra Cơ quan Điều tra VKSND tối cao. 

Quy chế nêu rõ các nguyên tắc trong bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức đó là: Ban cán sự đảng VKSND tối cao lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ trong ngành KSND. Lãnh đạo, đảng ủy VKSND cấp cao lãnh đạo công tác cán bộ ở VKSND cấp cao. Ban cán sự đảng VKSND cấp tỉnh lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ ở VKSND cấp tỉnh và cấp huyện.

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên Ban cán sự đảng, nhất là của người đứng đầu; việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của VKSND tối cao; tuân thủ các quy định của Đảng về công tác cán bộ và quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và điều kiện, tiêu chuẩn của công chức; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Quy định cụ thể về trách nhiệm và thẩm quyền

Về trách nhiệm và thẩm quyền, theo Quy chế, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức giữ chức vụ, chức danh trong ngành KSND, trừ chức vụ, chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; trừ các chức vụ, chức danh thuộc thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái của Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh theo Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND (ban hành kèm theo Quyết định số 208/QĐ-VKTC ngày 8/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao).

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao trao quyết định và tặng hoa chúc mừng 7 đồng chí được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên cao cấp. (Ảnh minh hoạ)

Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý công chức và người lao động trong ngành KSND.

Ủy ban kiểm sát VKSND các cấp có trách nhiệm tuyển chọn xem xét người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp; đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Kiểm tra viên và bổ nhiệm lại, hoặc không bổ nhiệm lại Kiểm sát viên các ngạch theo quy định.

Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp (Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên) tổ chức các kỳ thi, thông báo danh sách những người trúng tuyển và đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm giữ ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp. 

Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp tổ chức các kỳ thi, thông báo danh sách những người đã trúng tuyển và đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp.

Đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ có trách nhiệm giúp Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND và Ủy ban kiểm sát cùng cấp đề xuất nhân sự, nhận xét, đánh giá, thẩm định, xây dựng hồ sơ, thực hiện quy trình và các nhiệm vụ khác về công tác tổ chức cán bộ.

Điều kiện về độ tuổi bổ nhiệm

Ngoài ra, Quy chế cũng quy định về điều kiện về độ tuổi bổ nhiệm. Cụ thể, công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 5 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này.

Tuổi bổ nhiệm chức vụ thuộc VKS quân sự các cấp được thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định của Bộ Quốc phòng.

Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.

Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Công chức được xem xét bổ nhiệm chức danh phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, quy định tại Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 ngày 13/5/2015 về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên của VKSND.

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức vụ cao hơn, Điều 7 Quy chế nêu rõ, nhân sự được bổ nhiệm chức vụ cao hơn ngoài việc đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 6 Quy chế này còn đáp ứng điều kiện sau: Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Công chức bị kỷ luật thì không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.

Về thời hạn giữ chức vụ, chức danh, Quy chế quy định: Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 5 năm, không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp tại một cơ quan, đơn vị được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật.

Thời hạn giữ chức danh Kiểm sát viên khi được bổ nhiệm lần đầu là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu thời hạn còn lại không đủ 10 năm.

Công chức trước khi hết thời hạn giữ chức vụ, chức danh thì phải được xem xét để thực hiện quy trình bổ nhiệm lại.

Quyết định số 428/QĐ-VKSTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/11/2023, thay thế Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 17/11/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức trong ngành KSND.
P.V