Theo đó, Pháp lệnh này quy định cụ thể về hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, hoạt động xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND và hoạt động xem xét, quyết định đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (gọi chung là hành vi cản trở hoạt động tố tụng); hình thức, mức xử phạt, thủ tục, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của TAND, CQĐT.

Về hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng, dự thảo Pháp lệnh nêu rõ, đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng trực tiếp để cản trở hoạt động tố tụng.

Việc áp dụng hình thức xử phạt quy định tại khoản này đối với hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì thực hiện căn cứ theo quy định tại Điều 22 và Điều 139 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được áp dụng là hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này có thể được áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung.

Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân có hành vi cản trở hoạt động tố tụng đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Pháp lệnh này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi cản trở tố tụng của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Pháp lệnh này thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Liên quan đến trách nhiệm của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, dự thảo Pháp lệnh quy định, các cơ quan này thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình; xử lý kỷ luật đối với người có sai phạm trong xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình; đồng thời, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về xử lý vi phạm hành chính trong ngành, lĩnh vực do mình phụ trách theo quy định của pháp luật.

Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, gồm: Tạm giữ người; áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; khám người; khám đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm.

leftcenterrightdel
 Các đương sự liên quan tới một vụ tranh chấp đất đai gây rối tại tòa. (Ảnh minh hoạ)

Đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, theo dự thảo Pháp lệnh quy định, hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự theo quy định tại các Điều 73, 142, 177, 466, 467 của Bộ luật Tố tụng hình sự; hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 106 và các điều từ Điều 489 đến 496 của Bộ luật Tố tụng dân sự; hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính theo quy định tại các Điều 316 đến 320 của Luật Tố tụng hành chính.

Hành vi cản trở người có thẩm quyền thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND; hành vi cản trở người có thẩm quyền thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đáng chú ý, dự thảo Pháp lệnh quy định các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trong đó, Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa hoặc lực lượng Cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở.

Về thẩm quyền, người có thẩm quyền lập biên bản về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án gồm có: Người có thẩm quyền xử phạt; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc; Thư ký Tòa án; Thẩm tra viên; công chức, viên chức khác của Tòa án đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.

Người có thẩm quyền lập biên bản về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát gồm có: Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ việc; Kiểm tra viên đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.

Người có thẩm quyền lập biên bản về hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong hoạt động điều tra, gồm có: Điều tra viên được phân công giải quyết vụ việc; người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Mặt khác, dự thảo Pháp lệnh quy định, thủ tục xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong trường hợp có lập biên bản hoặc không lập biên bản được thực hiện theo các quy định tương ứng tại các điều từ Điều 55 đến Điều 68 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của VKSND thì trong thời hạn 24h kể từ khi lập biên bản hành vi cản trở hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền lập biên bản phải gửi cho TAND cùng cấp biên bản và các tài liệu khác có liên quan. Chánh án TAND cùng cấp xem xét quyết định xử phạt hoặc phân công một Thẩm phán xem xét quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại Điều 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh còn quy định về hành vi cản trở điều tra theo quy định tại Điều 177 của Bộ luật Tố tụng hình sự; hành vi vi phạm nội quy phiên tòa; hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; hành vi không thực hiện quyết định, yêu cầu về việc cung cấp chứng cứ; các hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng…

Vũ Long Hải