Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bộ Tư pháp cho biết, Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1//2015. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. 

Số liệu cho thấy, trong 7 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 27 triệu việc công chứng và gần 60 triệu việc chứng thực; tổng số phí công chứng thu được hơn 8 nghìn tỉ đồng, phí chứng thực thu được gần 350 tỉ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 1360 nghìn tỉ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 1600 tỉ đồng. 

Chiếm tỉ lệ đáng kể (từ 70-80%) số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng nêu trên là các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở và các bất động sản khác, qua đó bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế, đồng thời là tài sản có giá trị quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) làm sao để hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là giao dịch về bất động sản; phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, cá nhân, tổ chức; hỗ trợ hoạt động xét xử; tiết kiệm chi phí cho nhà nước và xã hội, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
Công chứng viên một văn phòng công chứng tư vấn về các thủ tục công chứng cho khách hàng. (Ảnh minh hoạ)

Việc ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) phải kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm của các Luật hiện hành, luật hoá các quy định có tính nguyên tắc trong các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hành nghề công chứng, thành lập các văn phòng công chứng, nâng cao chất lượng đội ngũ Công chứng viên, tăng cường trách nhiệm của Công chứng viên trong hoạt động công chứng để công chứng thực sự trở thành một công cụ “bảo vệ” người dân trong quan hệ dân sự, qua đó bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp.

Cũng theo Bộ Tư pháp cho biết, về cơ bản, Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy tác dụng trong thực tiễn về Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hành nghề công chứng, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, quản lý nhà nước về hoạt động công chứng.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định như: Xác định rõ hơn khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của công chứng; phát triển đội ngũ Công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn (số lượng và chất lượng) để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn; phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu về số lượng và phân bổ hợp lý, nhất là tại các vùng địa bàn khó khăn.

Xác định mô hình tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với điều kiện mới; tăng cường sự quản lý nhà nước; tăng cường quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực thông qua việc xác định đúng đối tượng trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực để có các giải pháp, công cụ quản lý phù hợp, hiệu quả nhằm bảo đảm phát triển hoạt động công chứng, chứng thực đúng định hướng và bản chất.

Phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.

Ngoài ra, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, để đạt được mục đích sửa đổi của Luật Công chứng như đã đặt ra, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi Luật Công chứng tập trung giải quyết 5 nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật.

P.V