Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau một thời gian dài phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tế, đòi hỏi khách quan phải có những đạo luật thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực.

Bộ Công an đang đề nghị xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, Bộ đề xuất các chính sách về quy tắc giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

Theo Bộ Công an, Luật Giao thông đường bộ quy định 3 lĩnh vực độc lập, khác nhau là TTATGT đường bộ, hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ nên có nhiều vấn đề bất cập, phải sử dụng nhiều văn bản dưới Luật để điều chỉnh.

Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo hành, bảo trì quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể, nhất là cơ chế thu hút, sử dụng vốn, quản lý đầu tư, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng… còn rất nhiều vấn đề bất cập.

Trong các chế định liên quan đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự xã hội chủ yếu quản lý trạng thái động; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh trạng thái tĩnh. Như vậy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh 2 trạng thái động và tĩnh đan xen, chồng lấn nhau. Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đều phải dùng các Nghị định của Chính phủ, Thông tư  để điều chỉnh các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tạo hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra.

Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh trật tự và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Từ đó, xuất hiện những vấn đề bất cập, chồng chéo; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Kinh nghiệm lập pháp của một số nước trên thế giới, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đức, Nga, Australia... thì các nội dung liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong đạo luật riêng, tách bạch với đạo luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó, vấn đề phát triển hạ tầng phải có cơ chế riêng để thu hút nguồn lực đầu tư, vấn đề trật tự, an toàn giao thông phải có đạo luật chuyên sâu điều chỉnh. Kinh nghiệm của các nước nêu trên hoàn toàn có thể áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Do đó, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để điều chỉnh chuyên sâu các nội dung về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tách bạch với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ, trên cơ sở kế thừa Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật và bổ sung một số quy định mới, tạo ra một hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong tình hình hiện nay về trật tự, an toàn giao thông là rất cần thiết.

Qua quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, Bộ Công an xác định có 6 chính sách trong dự án Luật được đánh giá tác động, bao gồm: Chính sách 1: Quy tắc giao thông đường bộ; Chính sách 2: Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Chính sách 3: Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Chính sách 4: Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Chính sách 5: Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Chính sách 6: Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

 Gần 1300 người thương vong vì tai nạn giao thông trong tháng 4 năm 2022

Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong tháng 4, cả nước xảy ra 1.046 vụ tai nạn giao thông, làm chết 600 người và làm bị thương 690 người.

Cụ thể, trên đường bộ xảy ra 1.036 vụ tai nạn giao thông, làm chết 592 người, bị thương 689 người; so với cùng kỳ năm trước giảm 35 vụ, tăng 71 người chết và giảm 62 người bị thương. Đường sắt xảy ra 7 vụ làm chết 5 người, bị thương 1 người; so với cùng kỳ năm trước tăng 3 vụ, tăng 1 người chết và tăng 1 người bị thương. Đường thủy xảy ra 2 vụ làm chết 2 người; so với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ, tăng 1 người chết và giảm 1 người bị thương. Hàng hải xảy ra 1 vụ làm chết 1 người; so với cùng kỳ năm trước tăng 1 vụ, tăng 1 người chết.

Về tình hình tai nạn giao thông 4 tháng đầu năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/4/2022), toàn quốc xảy ra 3.808 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.276 người, bị thương 2.431 người; so với 4 tháng đầu năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 694 vụ; tăng 7 người người chết và giảm 801 người bị thương.

Một số địa phương có số người chết do tai nạn giao thông trong tháng 4/2022 giảm sâu so với cùng kỳ như Bắc Kạn, Lâm Đồng (cùng giảm 3 người, tương đương 75%), An Giang (giảm 3 người, tương đương 50%). Một số địa phương có số người chết do tai nạn giao thông trong tháng 4/2022 tăng cao so với cùng kỳ như Bình Thuận (tăng 10 người, tương đương 125%).

Trong 4 tháng đầu năm 2022, có 26 địa phương có số người chết giảm trên 5% so với cùng kỳ. Một số địa phương có số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu cả về số lượng và tỷ lệ so với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2021 gồm: Quảng Bình (giảm 30 người, tương đương -60%), Sơn La (giảm 6 người, tương đương 46.2%), Thái Nguyên (giảm 8 người, tương đương 42.1%).


 

Hồng Vân