Bộ Công an đang dự thảo Thông tư Quy định quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo; ban hành danh mục pháo hoa, pháo hoa nổ; danh mục chi tiết mã số HS các loại pháo, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo trên lãnh thổ Việt Nam.

Quy chuẩn này không áp dụng đối với việc vận chuyển, bảo quản, sử dụng pháo hoa trong các hoạt động lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ.

Về các yêu cầu chung, Quy chuẩn nêu rõ: Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kho bảo quản pháo phải đảm bảo khoảng cách an toàn tới các công trình, đối tượng cần bảo vệ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa cải tạo cơ sở sản xuất pháo; kho bảo quản pháo phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, bảo vệ môi trường, an toàn và phòng cháy chữa cháy.

leftcenterrightdel

Công nhân thực hiện quy trình sản xuất pháo hoa tại Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Pháo được phân loại theo mức độ nguy hiểm và yêu cầu an toàn trong bảo quản, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhãn hàng hóa: Bao bì, thùng chứa pháo phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào lưu thông, sử dụng tại Việt Nam.

Về kỹ thuật an toàn: Kho cất giữ, bảo quản pháo phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị  định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Phải thực hiện các biện pháp an toàn khi bảo quản, sử dụng loại pháo nhạy cháy với các nguồn năng lượng điện, cảm ứng điện và tĩnh điện gây ra từ các nguồn thu, phát sóng điện, giông sét, đường dây điện cao áp hoặc dòng điện lạc.

Khi làm việc, tiếp xúc với pháo, chỉ những người đủ điều kiện về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí, chức trách đảm nhiệm và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố trong hoạt động pháo mới được thực hiện các công việc liên quan đến pháo.

Không để pháo bị va đập, xô đẩy hoặc chịu nhiệt độ cao hơn mức quy định của nhà sản xuất. Không đẩy, ném, kéo lê hòm, hộp có chứa pháo. Không được chọc vào phần thuốc pháo.

Không được hút thuốc hoặc sử dụng ngọn lửa trần cách vị trí để pháo nhỏ hơn 100 m. Không được mang theo người các loại dụng cụ có khả năng phát ra tia lửa (diêm, bật lửa) khi làm việc, tiếp xúc với pháo. Chỉ người được phân công phát hỏa bằng phương pháp đốt được mang theo dụng cụ lấy lửa khi làm nhiệm vụ.

Dụng cụ để đóng, mở các hòm, hộp pháo phải làm bằng vật liệu không phát ra tia lửa khi sử dụng. Không được đi giày có đế đóng bằng đinh sắt hoặc đóng cá sắt khi tiếp xúc với thuốc nổ đen.

Ngoài ra, Quy chuẩn còn đề cập đến các nội dung khác đó là: Khoảng cách an toàn đối với người quan sát pháo hoa nổ được xác định theo thiết kế, không được nhỏ hơn giá trị quy định; việc kiểm tra, thử nghiệm nguyên liệu, bán thành phẩm pháo; việc tiêu hủy pháo; thiết bị điện; phòng chống sét; phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ môi trường; quy trình, nội quy về an toàn; việc kiểm tra, xác định các chỉ tiêu đặc tính kỹ thuật của pháo... 

Về trách nhiệm thực hiện, Quy chuẩn nêu rõ: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Quy chuẩn trong phạm vi cả nước. Chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra về chất lượng, nghiên cứu, sản xuất pháo.
P.V