TAND tối cao vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghiên cứu, đóng góp ý kiến. 

Về một số tình tiết định tội, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: “Giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 116 của Bộ luật Dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

“Thu lợi bất chính” là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện với nhiều người thì khoản tiền thu lợi bất chính được xác định là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

“Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là trường hợp người phạm tội trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

“Đã bị bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là trường hợp người phạm tội trước đó đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (hoặc tội cho vay lãi nặng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999), chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. (Ảnh minh hoạ)

Về xác định số tiền thu lợi bất chính trong một số trường hợp cụ thể, theo dự thảo Nghị quyết thì trường hợp giao dịch dân sự chưa hết thời hạn mà bị phát hiện thì tiền thu lợi bất chính được xác định theo số tiền mà người vay thực tế đã trả.

Trường hợp giao dịch dân sự đã hết hạn nhưng người vay chưa trả được tiền lãi hoặc mới trả được một phần tiền lãi thì số tiền thu lợi bất chính vẫn được xác định trên cơ sở của cả thời gian của giao dịch dân sự.

Đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định: Trường hợp người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng thu phí của người vay (như phí hợp đồng, phí tư vấn, phí dịch vụ, phí liên lạc...) thì khoản tiền này được cộng với tiền lãi để xác định lãi suất và tiền thu lợi bất chính khi xem xét trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người môi giới (trung gian) câu kết với người cho vay thu phí dịch vụ của người vay để cùng thu lợi bất chính thì khoản tiền này được cộng với tiền lãi để tính lãi suất và tiền thu lợi bất chính khi xem xét trách nhiệm hình sự.

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 2 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp người trung gian thực hiện hành vi tư vấn, môi giới... hoặc có hành vi khác tham gia vào quá trình cho vay lãi nặng, đòi nợ (như dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, góp vốn ...) mà biết rõ để thực hiện việc cho vay lãi nặng mà vẫn thực hiện thì bị xử lý hình sự với vai trò là đồng phạm trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như ép buộc lấy tài sản, đánh người vay...) thì tùy từng trường hợp họ phải xử lý trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.

Cùng với các nội dung trên, dự thảo Nghị quyết còn quy định về xử lý khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo đó, tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là khoản tiền người phạm tội chiếm đoạt bất hợp pháp, được trả lại cho người vay, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy…) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Mặt khác, khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay (tiền gốc) là công cụ, phương tiện phạm tội, bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Khoản tiền lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự tương ứng với mức lãi suất 20%/năm là tiền phát sinh từ tội phạm, bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, trong vụ hình sự, mà người cho vay tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 của Bộ luật Hình sự thì người vay tiền tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Xem xét, cân nhắc áp dụng hình phạt chính là tiền đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nghề nghiệp, công việc để phạm tội thì phải xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng lợi dụng chức vụ, quyền hạn tại điểm c khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự để xử lý trách nhiệm hình sự; đồng thời, áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự.

P.V