Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, tính bảo mật an toàn thông tin luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử, trong đó bao gồm dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp và các giao dịch thương mại điện tử.

Tại Việt Nam hiện nay, việc định danh và xác thực các cá nhân chủ yếu dựa vào phương thức truyền thống, đó là dựa trên một số giấy tờ đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu. Trong khi đó, đối với việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, chưa có các quy định tương tự, chưa có phương thức để định danh và xác thực các cá nhân, tổ chức khi tham gia các giao dịch điện tử.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Hải quan xử lý thông tin qua phần mềm Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia. (Ảnh minh hoạ)

Với các doanh nghiệp, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đang được sử dụng như một hình thức định danh và xác thực điện tử chính để kê khai và nộp thuế qua mạng, kê khai hải quan điện tử và kê khai bảo hiểm xã hội điện tử. Sử dụng chữ ký số là một trong các giải pháp xác thực điện tử an toàn, tuy nhiên còn có những hạn chế nhất định như chi phí sử dụng khá cao, việc sử dụng cần có kỹ năng công nghệ thông tin nhất định. Hiện nay, mới có rất ít cá nhân sử dụng chữ ký số, trừ những đối tượng có các quy định bắt buộc sử dụng như cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, các ứng dụng Chính phủ điện tử phổ biến như cổng dịch vụ công trực tuyến của các Bộ ngành, địa phương đang tự quy định và xây dựng quy trình định danh và xác thực điện tử riêng. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, khó khăn trong quản lý và sử dụng hệ thống mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, quy định về định danh và xác thực điện tử chưa được nêu trong các văn bản Luật chuyên ngành như Luật giao dịch điện tử, Luật công nghệ thông tin.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới (Pháp, Ý, Phần Lan, Đan Mạch, Estonia, Ấn Độ, Singpore, Hàn Quốc…) đã ban hành các văn bản pháp lý quy định về định danh và xác thực điện tử, là cơ sở để xây dựng và triển khai thành công các hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch trực tuyến.

Dự thảo Nghị định được bố cục theo Chương, Mục, Điều, khoản, điểm, bao gồm 5 Chương và 33 Điều quy định về danh tính số, định danh và xác thực điện tử; dịch vụ định danh và xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về danh tính số, định danh và xác thực điện tử tại Việt Nam.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, cung cấp và sử dụng các dịch vụ định danh và xác thực điện tử đa dạng, giúp phổ cập danh tính số, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch điện tử, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử.

P.V