Theo đó, Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng các điều 304, 305, 306, 307, 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về các tội liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội, dự thảo Nghị quyết quy định: “Chế tạo vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận của vũ khí, phương tiện và có giá trị sử dụng theo tính năng tác dụng của chúng.
Cũng được coi là chế tạo trái phép phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp cơ sở sản xuất vũ khí của lực lượng vũ trang và những cơ sở khác có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp mới được sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng (theo danh mục) nhưng lại sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng loại khác (ngoài danh mục).
“Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là cất giữ chúng mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cất giấu bất kỳ ở một vị trí nào khác mà người phạm tội đã chọn.
Cũng được coi là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không kể do nguồn gốc nào mà có (như được tặng, cho, đào bới được, nhặt được, ...) mà không khai và nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
|
|
Nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và súng tự chế được nhân dân tự giác giao nộp cho cơ quan Công an. (Ảnh minh hoạ) |
“Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, … mà không có mệnh lệnh hoặc giấy phép vận chuyển bằng bất kỳ phương tiện nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.
“Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là sử dụng không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
“Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là các hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không đòi hỏi phải có đầy đủ cả hai hành vi mua và bán mà chỉ cần có một trong hai hành vi đó người phạm tội cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
“Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự bao gồm các hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, tham ô, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt.
Cũng được coi là chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khi quân nhân, nhân viên, công nhân quốc phòng và những người khác được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian công tác đến khi xuất ngũ, phục viên, nghỉ việc về hưu hoặc chuyển sang công tác khác không còn được phép sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nhưng đã không giao nộp lại theo quy định của Nhà nước.
Các hành vi “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại khoản 1 Điều 305 của Bộ luật Hình sự được áp dụng theo hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
“Vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” quy định tại khoản 1 Điều 307 của Bộ luật Hình sự là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ, quy trình, bảo đảm an toàn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, bảo quản vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
“Có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này không được ngăn chặn kịp thời” quy định tại khoản 4 Điều 307 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi vi phạm điều cấm về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhưng được phát hiệu, kịp thời nên chưa có hậu quả xảy ra.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Nghị quyết còn quy định về một số tình tiết định khung hình phạt; việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác theo quy định tại khoản 4 Điều 307 của Bộ luật Hình sự; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể…