Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới
Số liệu cho thấy, sau khi Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (Luật năm 2006) được ban hành, tình hình nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm, số ca nhiễm HIV phát hiện mới và tử vong giảm liên tục từ năm 2008 đến nay. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện từ năm 1990 tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, trên toàn quốc có 212.000 người nhiễm HIV còn sống đã được phát hiện và 103.000 người nhiễm HIV đã tử vong.
Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương được thiết lập và kiện toàn. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi, đồng bộ, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương và có hiệu quả cao.
Hằng năm, gần 700.000 người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV được xét nghiệm; 53.000 người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc thay thế, gần 150.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho gần 2.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt ba giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.
Theo đánh giá của UNAIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS. Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính
Tuy nhiên cùng với những kết quả đạt được trên, quá trình thực hiện, Luật năm 2006 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được khắc phục kịp thời. Chính vì thế, ngày 16/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (Viết tắt là Luật năm 2020). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Trước hết, Luật năm 2020 đã bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV.
Cụ thể, nhằm bảo đảm dự phòng lây nhiễm HIV cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ chồng của người nhiễm HIV, Luật năm 2020 sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 4 theo hướng quy định người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho những đối tượng này. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.
|
|
Người dân tham gia lễ Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS. (Ảnh minh hoạ) |
Cùng với đó, nhằm bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo đảm công tác khám chữa bệnh, chi trả khám chữa bệnh từ quỹ Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và triển khai công tác kiểm soát dịch HIV/AIDS được tốt hơn, Luật năm 2020 sửa đổi Điều 30 Luật năm 2006 theo hướng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ.
Đồng thời, quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để bảo đảm giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.
Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng các đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, huy động người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi pháp luật về thi hành án hình sự
Một trong những điểm mới đáng chú ý khác sẽ có hiệu lực vào 1/7 tới đây đó là Luật đã bổ sung nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ tổ chức quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV.
Theo đó, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật năm 2006 theo hướng bổ sung nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm triển khai nhiệm vụ tổ chức quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV, nhằm bảo đảm người nhiễm HIV được xét nghiệm sớm, chăm sóc và điều trị liên tục trong các cơ sở giam giữ và phòng chống lây nhiễm HIV trong các cơ sở này.
Ngoài ra, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 45 Luật năm 2006 quy định về chế độ, chính sách đối với người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV cho phù hợp.
Thêm vào đó, Luật cũng luật hóa các biện pháp can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV; đa dạng hóa mô hình xét nghiệm HIV nhằm bảo đảm triển khai xét nghiệm phát hiện sớm người nhiễm HIV; quy định rõ nguồn lực chi trả xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai; bổ sung các đối tượng được Nhà nước bảo đảm cấp thuốc điều trị HIV/AIDS miễn phí; nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.
Ngoài ra, Luật năm 2020 đã bãi bỏ Điều 42 Luật năm 2006 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối.
Theo đó, Luật năm 2020 bãi bỏ Điều 42 Luật năm 2006 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối, do khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, nếu được điều trị ARV sẽ khỏe mạnh bình thường.
Việc bỏ điều khoản này cũng nhằm bảo đảm quyền được điều trị HIV/AIDS cho những người nhiễm HIV trong cơ sở giam giữ, không để họ bị tử vong do AIDS nếu không được điều trị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi pháp luật về thi hành án hình sự.
Luật năm 2020 được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp/100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. |